Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Với vợ chồng ông Lê Văn Phiên và 3 người con điên ở xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi đã “đeo đẳng” và cố tìm cách lý giải: Đâu là nguyên nhân của những câu chuyện buồn thảm, day dứt cho đến tận hôm nay?

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Nhiều năm trước, nhìn 3 người con điên dại, ông Phiên (nay đã 91 tuổi) từng thở dài nói rằng: “Tôi chết thì ai chăm chúng nó? Mà chắc tôi cũng phải chết mới thoát được những khổ đau”.

Rồi ông kể, người con đầu Lê Văn Nghĩa có nhiều biểu hiện lơ mơ, nóng nảy, đánh người vô lý theo đủ cách vừa côn đồ vừa điên dại. Nhưng, thay vì được chữa trị, quản lý, anh Nghĩa vẫn phải “tay làm hàm nhai” như bao người đàn ông bình thường khác. Anh đi đóng gạch thuê trong xã. Thấy vợ anh Nghĩa đẹp, hiền, lại mắn đẻ, cánh thợ thuyền hiếu tục bèn nói: Con mày không giống mày tí nào Nghĩa ạ! Nó đi “đánh ngạnh” (ngoại tình) có được đấy!

Nóng máu, anh Nghĩa về đánh vợ là chị Trịnh Thị Tân thậm tệ. Có lần anh đánh chị gãy cả chân, phải bỏ về nhà ngoại lánh nạn. Lúc “tỉnh ngộ”, anh lại ngon ngọt quỵ luỵ đón vợ về nhà mình. Chị Tân thương chồng con lại mò về.

Thế rồi, không biết cái cơn lên từ đâu và như thế nào, tối mùng 2 Tết Giáp Tuất (1994), ông Phiên nghe tiếng trẻ con khóc như ri. Rồi hàng xóm kêu ầm lên. Họ bảo ông ra giếng mà xem…

Nhìn cảnh đó, lại thêm nhìn ánh mắt thơ dại hãi hùng của các cháu, ông Phiên ngất đi, gần 2 ngày mới tỉnh dậy.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Ông Phiên luôn bị ám ảnh bởi thảm cảnh xảy đến với gia đình - Ảnh: LĐ&CĐ

Chúng tôi đến, trên ban thờ là di ảnh của vợ anh Nghĩa, người phụ nữ có gương mặt hiền và trong sáng, đôi mắt mở to từ ban thờ nhìn những vị khách lạ. Đứng góc nào cũng thấy chị nhìn mình và cười hiền xa xăm. Gia cảnh nghèo khó, về làm dâu cái nhà cũng lại nghèo khó hơn, chị Tân không để lại tấm ảnh nào khác ngoài bức ảnh đen trắng bé bằng ngón tay trong chứng minh thư. Gia đình phóng ảnh đấy lên treo, lúc trên ban thờ, ảnh vẫn có hình dấu giáp lai.

Ông Phiên nhớ lại: “Mùng 2 Tết, con thứ ba của Nghĩa mới 2 tuổi đầu, nó đi chúc Tết khắp các ông bà, tối được đưa về nhà ngủ. Nó vui lắm, còn bảo mai lên phố tiếp, gặp gỡ các ông bà cô chú nhận mừng tuổi”.

Vậy mà…

Tối ấy, những đứa trẻ gào lên hoặc khóc ngất khi bất lực chứng kiến bi kịch xảy đến.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Trước đó, biết con hay khùng điên gây sự, đánh đập bất cứ ai (chứng bệnh tâm thần, mất kiểm soát), ông Phiên và vợ đã có ý giấu toàn bộ dao kéo, gậy gộc, cuốc xẻng vào một góc. Thậm chí, dao kéo còn được ông khoá trong một chiếc hòm để ngăn ngừa hậu hoạ. Ai ngờ, Nghĩa ra tay với vợ bằng cái chày giã sắn.

“Công an bắt và nhốt nó 4 tháng, sau đó khám thấy nó bị tâm thần, bèn thả về”, ông Phiên kể.

Suốt bao năm, vừa đau đớn xót xa, vừa sợ hãi nhìn đứa con điên, ông Phiên lẩm nhẩm kêu cầu: Mong Nhà nước cho thằng Nghĩa nhà tôi đi trại tâm thần, cho nó sổ tâm thần để có thuốc uống, chứ nó gây hoạ với ai đó nữa, thì tôi có chết cũng không nhắm được mắt đâu!

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Những giọt nước mắt trực trào của người đàn ông ngoài 90 tuổi khi nhớ lại bi kịch của gia đình - Ảnh: LĐ & CĐ

Lúc xảy ra chuyện, con út của anh Nghĩa và chị Tân mới 2 tuổi. 3 đứa trẻ mồ côi trở thành gánh nặng cho ông Phiên nuôi dưỡng, bên cạnh 3 đứa con trai mắc bệnh tâm thần nặng, hết ngơ ngẩn cười sằng sặc, đi lang thang đánh người, lại quay về tấn công bố mẹ già…

Cuối cùng, anh Nghĩa ốm chết trong một cơn đau quặn và tiếng gào gổng tuyệt vọng. “Con khó thở quá bố ơi… Vừa khiêng ra trạm xá thì nó chết”, ông Phiên gạt nước mắt kể lại.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Vợ ông Phiên chết sớm, để lại 3 đứa con, ông lấy vợ hai, sinh thêm 2 con nữa với bà cụ hiện nay. “Bà này sinh ra các cháu “tử tế” lắm (ý là không bị tâm thần – PV), bà trước thì cả 3 đứa “tất thế” (ý là tất cả như anh Nghĩa, bị điên). Nghĩa chết, tôi nuôi hai thằng “vớ vẩn” này còn khổ hơn nữa. Tôi đã hơn 90 tuổi đầu, may mà Nhà nước còn trợ cấp cho mỗi đứa hơn 500 nghìn đồng/tháng, đủ tiền ăn và thuốc thang tằn tiện cho hai chúng nó. Uống thuốc vào chúng nó cũng lành hơn rồi. Chứ không thì chết chắc từ lâu!”.

“Sợ nhất là cái hôm thằng Nga nó vác thang giường đánh vào đầu tôi. Tôi ngất không biết gì, nằm quay đơ ra giữa đường làng. Trước đó, tôi cứ nghĩ không đời nào nó đánh tôi, tôi là bố nó, cơm bưng nước rót, lo đổ bô rửa ráy cho nó suốt đêm ngày. Bây giờ vết sẹo vẫn to bằng cái vỏ chuối trên đầu tôi. Nó đánh nhiều người trong làng lắm…”, ông Phiên kể.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?Anh Lê Văn Nga sau một thời gian điều trị, đã đi lại bình thường, ra ở riêng. Ảnh: LĐ&CĐ

Anh Lê Văn Nga, sinh năm 1966, sau khi bỏ học, có đi lính nghĩa vụ ở Quân khu 2. Về nhà tự dưng phát bệnh, đi nhặt xoong nồi, lấy trộm đủ thứ. Ai không may càm ràm là bị anh đánh.

“Nó lẩn thẩn đi nhặt nhạnh đủ thứ rồi bán lấy vài đồng ăn kẹo, ngồi ở cổng uỷ ban xã ngắm mây bay. Bắn điếu thuốc lào rồi lững thững đi về. Có khi nó bắt trộm chó, lợn của người ta, cắt cái đầu, moi bộ lòng đem ra ăn, còn đâu vứt lại trong bụi rậm. Người ta bảo, cưới vợ cho nó để nó tu tâm dưỡng tính có khi vơi bớt bệnh. Cưới xong, nó đánh vợ toác đầu, con bé sợ quá bỏ đi biệt. Chán, Nga rỡ cả nhà, vác cột và xà nhà đi bán, lấy tiền mua kẹo”, ông Phiên kể.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Vào khoảng năm 1991, tức là hơn 30 năm trước, gia đình và hàng xóm, nhiều người bị đánh quá, mới bảo nhau làm cái cùm bằng gỗ thật dài. Dài đến mức không đặt được trong căn phòng nhà tranh vách đất ấy. Họ phải để hai cây gỗ chéo hai góc đối diện của phòng, rồi khoét cái lỗ vừa cổ chân anh Nga, úp các cây gỗ vào nhau. Khoá chốt, đóng gông lại.

“Ai đã đưa anh Nga vào gông cùm hả ông?” – PV hỏi.

“Tôi không dám gông nó, sợ nó thù. Nhà tôi đẽo gỗ, làm cùm, rồi nhờ công an xã đến cùm nó lại. Lúc nó sắp chết vì ốm yếu. Tôi gọi anh Th., bấy giờ là chủ tịch UBND xã, bảo anh ơi, thằng Nga nó chết các ông đem chôn hộ, tôi già quá rồi. Anh Th. bảo, nhà cụ cứ đứng ra tổ chức lễ, chúng con hỗ trợ hết sức!”, ông Phiên nhớ lại.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Anh Nga bây giờ đã hiền lành, ra ở riêng, không còn quậy phá - Ảnh: LĐ&CĐ

Năm qua tháng lại, anh Nga bị cùm, cơm bưng nước rót, phóng uế tại chỗ. Trời lạnh căm căm, áo xống phong phanh. Bố mẹ già đầu bạc hầu con trẻ đầu xanh. Mỗi lần anh Nga mặc quần vào để đón… khách đến, hoặc là ngó nghiêng tò mò, hoặc là cho mấy đồng bạc lẻ xót xa, thì ông Phiên và vợ phải dùng cái quần đã xé bỏ đũng, trùm từ đầu từ cổ anh Nga xuống để che đi phần thân dưới. Che được tí nào hay tí ấy.

Do bệnh tật, hoang tưởng, điên loạn gào thét, lại thêm không được uống thuốc điều trị bệnh; đặc biệt, thời gian dài không cựa quậy nổi, cơ thể anh Nga dần tàn lụi, da khô đét lại, nhiều chỗ lở loét.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?Anh Lê Văn Tuấn (thứ nhất, từ trái) cũng bị phát bệnh “điên” như hai người anh trai - Ảnh: LĐ&CĐ

Sau gần 7 năm, từ những phản ánh, kiến nghị, chính quyền địa phương mới tháo cùm cho anh Nga, đưa đi bệnh viện, có sổ khám chữa bệnh, được cấp phát thuốc định kỳ, có trợ cấp xã hội.

Ông Phiên còn có một người con thứ ba tên là Lê Văn Tuấn, sinh năm 1971, cũng phát bệnh “điên” như hai ông anh. May là anh Tuấn điên ở thể hiền lành, cứ lẩn mẩn đù đờ ngồi một góc nào đó, tự nói cười mà không làm hại ai.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Có lẽ, nếu anh Nghĩa và anh Nga được uống thuốc sớm thì gia đình ông Phiên sẽ không xảy ra bi kịch, sẽ không có cảnh hai anh điên loạn tấn công đủ bốn bên hàng xóm như đã từng! Nếu được điều trị kịp thời, sớm thoát khỏi tình huống làm bệnh trở nên mạn tính khó cứu vãn, thì “ngôi nhà điên” ấy không xảy ra chuyện buồn.

“Hai thằng Nghĩa và Nga, người ta bảo bị điên nhẹ, cho lấy vợ là khỏi. Ai ngờ, đứa đánh vợ toác đầu phải bỏ trốn, đứa giết vợ. Tôi hãi quá, chả cho thằng Tuấn lấy vợ nữa”, ông Phiên kể.

Dù có lấy vợ hay không thì bệnh tình của anh Tuấn là không nhẹ. Cũng chẳng ai dám chắc hai người con bị bệnh tâm thần còn lại của ông Phiên có làm hại mình và hại người hay không? Và, có một thực tế đau lòng, như vợ ông Phiên thừa nhận: Trước khi bị đóng vào cùm, anh Nga không hề được uống thuốc và điều trị gì cả. Nghĩa thì sau khi gây tội ác với vợ, đi trại tạm giam rồi, người ta mới cho biết anh ta bị “điên” và vẫn không có phương pháp quản lý điều trị khả dĩ!

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Vợ chồng ông Lê Văn Phiên giờ đây đã tạm yên tâm khi hai người con trai được điều trị, uống thuốc đều đặn, đúng giờ, không còn "quậy phá" - Ảnh: LĐ&CĐ

Thậm chí, sau gần hai nghìn năm trăm ngày bị “giam cầm” trong cái cùm kinh khủng như vậy nhưng anh Nga vẫn chưa được công nhận là người bệnh tâm thần, chưa có chế độ trợ cấp xã hội như cần phải có; chưa được quản lý chăm sóc để không tiếp tục gây rắc rối...

Khi đó, chúng tôi từng tự hỏi: Thủ tục làm người điên khó thế sao? - kể cả khi ông bố già gần đất xa trời đã bao nhiêu lần viết đơn kêu cứu; cả khi anh Nga đã đập vỡ đầu bố đẻ và đánh đủ hàng xóm bốn phía? Kể cả khi anh Nghĩa đã gây tội ác với vợ và đã được thả về sau 4 tháng nằm trại tạm giam kèm kết luận bị bệnh tâm thần?

Có một thời gian, khi 3 người con điên dại của ông Phiên làm toàn điều kinh thiên động địa nhưng chỉ duy nhất 1 người được cấp sổ bệnh nhân tâm thần. Hằng tháng, ông bà Phiên thay nhau lụm khụm đi lên trạm y tế lấy 01 suất thuốc tâm thần về, chia đều cho 3 con uống chung.

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?Chiều đến, anh Nga thất thểu tới nhà bố mẹ dùng bữa, rồi lại thất thểu ra về - Ảnh: LĐ&CĐ

Bây giờ, mọi thứ có vẻ đã quy củ với sổ tâm thần, tiền trợ cấp và cung ứng thuốc tương đối đầy đủ. Dẫu muộn còn hơn không!

Bài học được ông Phiên, 91 tuổi tự tin đưa ra: “Cần cho bệnh nhân tâm thần uống thuốc đúng giờ, uống đều đặn và chọn loại thuốc hợp lý nhất, là chứng bệnh tâm thần sẽ ổn. Con tôi, thằng út, giờ bệnh nhẹ hơn nhiều. Đứa lớn hơn (tức anh Nga) thì uống thuốc đều rồi về nhà ở một mình (vợ con anh đã bỏ đi hết)”.

Bữa đến, anh Nga lại thất thểu đi như người mộng du qua các ngõ, các bờ mương để đến ăn chiều với vợ chồng ông Phiên.

Mời độc giả đón đọc bài 3: Dần “giác ngộ” qua từng… thảm án!

Bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu?

Đón đọc loạt phóng sự: “Người điên” – món nợ ân tình dành cho người tỉnh Đón đọc loạt phóng sự: “Người điên” – món nợ ân tình dành cho người tỉnh

Loạt phóng sự 5 kỳ “Người điên – món nợ ân tình dành cho người tỉnh” do nhóm phóng viên Tạp chí Lao động và ...

Bài 1: Người đàn ông gần 30 năm bị xích cổ Bài 1: Người đàn ông gần 30 năm bị xích cổ

Đầu tháng 3/2023, chúng tôi có dịp trở lại xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng và dành thời gian ghé thăm anh ...

Bài viết: NHÓM PHÓNG VIÊN LĐ&CĐ

Thiết kế: TRƯỜNG GIANG