BÀI 2: Nội dung cơ bản của Công ước 98
Công ước (CƯ) số 98 năm 1949 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (TLTT) là một trong 10 CƯ cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Cùng với CƯ 87, các tiêu chuẩn của hai CƯ này được gọi ngắn gọn là các tiêu chuẩn cơ bản về tự do hiệp hội (hoặc các tiêu chuẩn cơ bản về tự do hiệp hội và TLTT). Tính đến tháng 10/2022, đã có 168 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn CƯ này. So với CƯ 87, tỷ lệ các quốc gia phê chuẩn CƯ 98 cao hơn. Trong khu vực ASEAN, mới chỉ có 6/10 quốc gia phê chuẩn CƯ 98 là Cambodia, Indonesia, Myanmar, Phillipines, Singapore và Việt Nam (1). Việt Nam đã phê chuẩn CƯ số 98 của ILO và những nội dung cơ bản của Công ước 98 đã được nội luật trong hệ thống pháp luật quốc gia, nhất là tại Bộ luật Lao động năm 2019. Một số nội dung cơ bản của CƯ bao gồm: Bảo vệ người lao động (NLĐ) và công đoàn (CĐ) trước hành vi phân biệt đối xử chống CĐ; bảo vệ CĐ không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động (NSDLĐ); những biện pháp thúc đẩy TLTT. |
Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra về việc gia nhập CƯ số 98 của ILO tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5/2019. Ảnh: quochoi.vn |
1. Bảo vệ NLĐ và CĐ trước các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ
Theo tinh thần của Điều 1 CƯ 98, NLĐ phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến mọi khía cạnh việc làm của họ vì lý do tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động CĐ hợp pháp. Đối tượng hưởng sự bảo vệ này được áp dụng đối với cả NLĐ chưa là đoàn viên CĐ, NLĐ là đoàn viên CĐ, và đặc biệt là đối với cán bộ CĐ - là đối tượng cần được hưởng sự bảo vệ đặc biệt hơn để họ có thể thực hiện nhiệm vụ đại diện một cách hiệu quả (2). Về mặt thời gian, sự bảo vệ này bao gồm cả khi tuyển dụng, trong quá trình làm việc cũng như khi chấm dứt QHLĐ (3). Về hình thức biểu hiện và các hành vi cụ thể của việc phân biệt đối xử, trong khi thừa nhận rằng sự phân biệt đối xử có thể được thực hiện rất tinh vi và khó chứng minh trong thực tế, Ủy ban về Tự do Hiệp hội đã đưa ra một số hành vi cụ thể bị xem là biểu hiện của việc phân biệt đối xử chống CĐ như: Việc hình thành và sử dụng những “danh sách đen” bao gồm những đoàn viên hoặc cán bộ CĐ tích cực làm cơ sở xem xét trong quá trình tuyển dụng cũng như chấm dứt QHLĐ (4); việc không gia hạn hoặc chất dứt hợp đồng lao động mà không có lý do gì khác ngoài lý do CĐ (ví dụ chỉ những người là đoàn viên CĐ tích cực mới không được gia hạn hợp đồng, chỉ cán bộ CĐ mới bị cho thôi việc vì lý do kinh tế…) (5); gây khó khăn cho NLĐ vì lý do CĐ (như chuyển đi làm công việc khác, chỉ thưởng cho NLĐ không phải là đoàn viên CĐ) (6) v.v.. |
Công ty TNHH Freetex Group Việt Nam (Quảng Ngãi) ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Ảnh: XUÂN QUANG |
Để những sự bảo vệ theo yêu cầu của CƯ 98 nêu trên có thể được thực thi hiệu quả trên thực tế, CƯ 98 yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện nhiều giải pháp cụ thể khác nhau, bao gồm: - Ban hành đầy đủ các quy định của pháp luật về những nội dung nêu trên. - Có cơ chế để nạn nhân của hành vi phân biệt đối xử chống CĐ có thể khiếu kiện cùng với các quy định về thủ tục giải quyết bảo đảm nhanh chóng, khách quan và chi phí thấp (7). - Có các quy định về chế tài một cách hiệu quả và có tính răn đe đối với hành vi phân biệt đối xử chống CĐ. Ủy ban về Tự do hiệp hội cho rằng hành vi phân biệt đối chống CĐ cần phải được áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự (8). - Bên cạnh các biện pháp chế tài, pháp luật còn phải có các quy định về cơ chế khắc phục hậu quả, khôi phục lại các quyền lợi đã bị xâm hại do hành vi phân biệt đối xử gây ra như tiền lương, việc làm… Trong trường hợp quyền lợi không thể khôi phục được thì phải có cơ chế bồi thường (9). |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (bên trái), TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) báo cáo trước Quốc hội khi Quốc hội thảo luận để thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 98. Ảnh: LĐXH |
2. Bảo vệ CĐ không bị can thiệp, thao túng bởi NSDLĐ
Điều 2 CƯ 98 yêu cầu bảo đảm sự độc lập hoàn toàn của CĐ đối với NSDLĐ về mọi phương diện tổ chức và hoạt động (10). Sự độc lập của CĐ được bảo đảm ở các phương diện chủ yếu như: Việc thành lập CĐ, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ CĐ thông qua chương trình công tác và kế hoạch hoạt động của mình; và việc quản trị nội bộ CĐ mà quan trọng nhất là việc tự chủ trong quản lý, sử dụng tài chính CĐ (11). Sự can thiệp của NSDLĐ vào việc thành lập CĐ có thể được thực hiện thông qua nhiều hành vi đa dạng khác nhau như: Can thiệp vào quá trình xây dựng và thông qua điều lệ CĐ; quá trình đề cử, bầu cử cán bộ CĐ (12); mua chuộc NLĐ bằng những quyền lợi vật chất hoặc thăng tiến để NLĐ từ bỏ, không tham gia CĐ, hoặc để tạo ra những CĐ “giả tạo” mà thực chất không phải là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ (13). Các hành vi can thiệp của NSDLĐ vào quá trình xây dựng và thực hiện các hoạt động CĐ, việc quản lý và sử dụng tài chính CĐ cũng có thể được thực hiện trên thực tế một cách rất đa dạng và tinh vi, có thể là những can thiệp nhằm cản trở, gây khó khăn cho việc thực hiện các công việc CĐ, cũng có thể là những hành vi nhằm mua chuộc, làm suy yếu hoặc tê liệt chức năng đại diện của CĐ như tài trợ về tài chính cho CĐ (14). Những sự can thiệp nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là thúc đẩy quyền lợi của NLĐ thông qua TLTT. Chính vì thế việc bảo vệ CĐ trước các hành vi can thiệp trên dành được sự quan tâm lớn của Ủy ban về Tự do hiệp hội (15). Trong khi xác định rằng luật pháp quốc gia cần có những quy định cụ thể và rõ ràng cấm những hành vi can thiệp, thao túng CĐ (16), Ủy ban về Tự do hiệp hội cũng nhấn mạnh rằng chỉ các quy định đối với các hành vi can thiệp, thao túng CĐ bị cấm trên là không đủ, mà nó cần đi kèm với những quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khi có hành vi can thiệp, thao túng xảy ra (17); và những quy định về chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm về can thiệp, thao túng vào CĐ (18). |
Nhân viên Samsung tại dây chuyền sản xuất bản mạch cho các thiết bị 5G. Ảnh: SAMSUNG |
3. Những biện pháp thúc đẩy TLTT
CƯ 98 xác lập 2 nguyên tắc cơ bản của TLTT, bao gồm: i) trách nhiệm của nhà nước và các bên TLTT trong việc thúc đẩy TLTT; ii) bảo đảm tính tự nguyện và thiện chí của TLTT. Việc thúc đẩy TLTT liên quan nhiều đến trách nhiệm của nhà nước thông qua các cơ chế như: Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động (hòa giải, trọng tài); cơ chế kéo dài thời hạn hoặc mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể tự nguyện; xây dựng và bảo đảm thực hiện các quy định về nghĩa vụ thương lượng thiện chí… Việc bảo đảm tính tự nguyện của TLTT chủ yếu liên quan đến những nội dung về quyền tự định đoạt của các bên về nội dung thương lượng; về việc có đạt được thỏa ước thông qua thương lượng hay không; về thành phần tham gia thương lượng; về cấp độ thương lượng v v… Một số nội dung cụ thể của những nguyên tắc trên bao gồm: - Khác với việc giải quyết các tranh chấp lao động khác như tranh chấp lao động cá nhân hoặc tranh chấp lao động tập thể về quyền, thủ tục hòa giải và trọng tài đối với tranh chấp phát sinh trong quá trình TLTT (tranh chấp lao động tập thể về lợi ích) có bản chất nhằm thúc đẩy TLTT. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của ILO, các thủ tục hòa giải và trọng tài nhằm thúc đẩy TLTT phải là các thủ tục tự nguyện được thực hiện bởi bên thứ ba trung lập và độc lập (19). Khái niệm hòa giải và trọng tài tự nguyện được hiểu bao gồm cả tính bắt buộc/tự nguyện về thủ tục và tính bắt buộc/tự nguyện đối với phương án hòa giải hoặc quyết định trọng tài. Đối với thủ tục trọng tài, nếu các bên tự nguyện đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài thì quyết định của thủ tục trọng tài tự nguyện đó có thể có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Việc áp dụng thủ tục hòa giải và trọng tài bắt buộc khi các bên TLTT không đạt được thỏa thuận là trái với nguyên tắc tự nguyện trong TLTT (20). Tuy nhiên, vì mục tiêu thúc đẩy TLTT, thủ tục hòa giải hoặc trọng tài bắt buộc có thể được áp dụng trong một số ít trường hợp, bao gồm TLTT diễn ra ở khu vực dịch vụ thiết yếu mà NLĐ không có quyền đình công (21) hoặc TLTT lần đầu (22). - Nguyên tắc thương lượng thiện chí có nghĩa là các bên cần phải thực hiện mọi nỗ lực để đạt được thỏa thuận, tiến hành thương lượng một cách thực chất và xây dựng, tránh mọi sự trì hoãn không có lý do hợp lý, tôn trọng thỏa thuận đã đạt được và thực hiện nó một cách thành ý, dành thời gian cũng như sự chú ý thỏa đáng cho việc thảo luận và giải quyết các tranh chấp phát sinh (23). - Quyền TLTT dành cho mọi tổ chức đại diện của NLĐ (24), song luật pháp không được có quy định cho phép tổ chức NLĐ ở cấp trên tiến hành TLTT ở cấp thấp hơn mà không xuất phát từ nhu cầu của chính tổ chức này (25). Đây là vấn đề cần để cho chính tổ chức CĐ quyết định. - Nội dung và cấp TLTT do các bên thương lượng quyết định. Những quy định của pháp luật hạn chế nội dung thương lượng (26) hoặc chỉ cho phép thương lượng diễn ra ở những cấp thương lượng nhất định là không phù hợp với nguyên tắc tự nguyện của TLTT (27). |
(1) https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=1000:11300:0::NO:11300:P11300_INSTRUMENT_ID:312243 (2) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 773, 799: Các biện pháp bổ sung cần được tiến hành để bảo đảm bảo vệ đầy đủ hơn cho những người lãnh đạo của tổ chức CĐ, đại biểu CĐ và các đoàn viên CĐ chống lại bất cứ hành động phân biệt đối xử nào. Việc bảo vệ này đặc biệt cần thiết đối với cán bộ CĐ vì để có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ một cách hoàn toàn độc lập, cán bộ CĐ phải được bảo đảm họ không bị định kiến vì nhiệm vụ mà họ được tổ chức CĐ giao phó. (3) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 781: Việc bảo vệ khỏi các hành vi phân biệt đối xử vì lý do CĐ không nên chỉ giới hạn trong tuyển dụng và sa thải mà phải gồm các biện pháp chống phân biệt đối xử trong quá trình sử dụng lao động, cụ thể là chuyển việc, giáng chức và các hành động khác gây thiệt hại cho người lao động. (4) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 803: Mọi trường hợp liên quan đến lập danh sách đen các cán bộ CĐ hoặc đoàn viên CĐ đều bị coi là đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do thực hiện các quyền CĐ và Chính phủ phải có các biện pháp nghiêm khắc để xử lý những trường hợp này. (5) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 795, 796, 979: Các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ không được phép viện cớ sa thải vì lý do khó khăn về kinh tế. Việc áp dụng các chương trình tinh giản nhân viên không được sử dụng để tiến hành các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp không được trực tiếp hoặc gián tiếp đe dọa người lao động là đoàn viên CĐ và tổ chức CĐ. (6) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 785, 786, 787: Việc không ký lại hợp đồng vì lý do chống CĐ cấu thành hành vi định kiến nêu tại Điều 1 Công ước số 98. Các hành vi gây rối và đe dọa chống lại người lao động vì lý do họ là thành viên CĐ hoặc các hoạt động công đoàn chính đáng, có thể ngăn cản người lao động tham gia tổ chức CĐ theo sự lựa chọn của họ, do đó vi phạm quyền thành lập tổ chức của người lao động. Việc chỉ thưởng cho những người lao động không phải là đoàn viên (7) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 817: Chính phủ có trách nhiệm phòng chống tất cả các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ và phải bảo đảm tất cả các khiếu nại về phân biệt đối xử chống CĐ phải được giải quyết theo trình tự thủ tục nhanh chóng, khách quan và chi phí thấp. (8) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 771, 822: Pháp luật phải có các chế tài thích đáng ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ để bảo đảm việc áp dụng trên thực tiễn Điều 1 và Điều 2 Công ước số 98. Điều quan trọng là phải hình sự hóa tất cả các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ trong thực tiễn sử dụng lao động. (9) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 813: Pháp luật phải đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả và hình phạt đối với các hành vi phân biệt đối xử chống CĐ để bảo đảm việc áp dụng có hiệu quả Điều 1 Công ước số 98. (10) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 855: Điều 2 của Công ước số 98 xác lập sự độc lập tuyệt đối của tổ chức người lao động với người sử dụng lao động trong quá trình thực hiện các hoạt động của mình. (11) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 858: Ủy ban Tự do Hiệp hội cho rằng tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động phải có sự bảo vệ thích đáng chống lại bất cứ hành vi can thiệp của phía bên kia hoặc các tác nhân khác trong quá trình thành lập, hoạt động và quản trị tổ chức. (12) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 857: Việc người sử dụng lao động can thiệp trong việc xây dựng điều lệ hoặc hiện diện trong tổ chức và hoạt động của ban chấp hành CĐ, là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự do hiệp hội. (13) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 858, 864: Ủy ban Tự do Hiệp hội cho rằng các thủ đoạn chống công đoàn dưới hình thức đưa hối lộ cho đoàn viên CĐ để họ rời khỏi công đoàn, để họ đưa ra tuyên bố từ chức cũng như việc cố gắng để thành lập CĐ bù nhìn là trái với Điều 2 Công ước số 98. Quy định của pháp luật cho phép người sử dụng lao động ngầm phá hoại tổ chức của người lao động thông qua những khuyến khích giả tạo cho người lao động là trái với nguyên tắc tự do hiệp hội. (14) Tổng điều tra của ILO năm 2012, đoạn 194: Theo ngôn ngữ của Điều 2 Công ước, các hành vi can thiệp gồm hành vi hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ khác cho tổ chức của người lao động với mục đích đặt tổ chức này dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động hoặc tổ chức của người sử dụng lao động. (15) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 868: Sự độc lập của các bên là điều quan trọng trong thương lượng tập thể, vì vậy, việc đàm phán trên danh nghĩa người lao động hay tổ chức của họ không nên thực hiện thông qua đại diện đàm phán được chỉ định bởi hoặc đưới sự ảnh hưởng của người sử dụng lao động hoặc tổ chức của người sử dụng lao động. (16) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 860: Để phù hơp với Công ước số 98, chính phủ cần xem xét đến khả năng thông qua các quy định rõ ràng và chính xác bảo đảm tổ chức của người lao động chống lại các hành vi can thiệp. (17) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 861, 862: Việc pháp luật có các quy định cấm hành vi can thiệp của tổ chức người sử dụng lao động vào các công việc của công đoàn là chưa đủ nếu như các quy định này không kèm theo trình tự thủ tục bảo đảm thực thi trên thực tiễn. (18) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 862: Pháp luật phải quy định rõ ràng cho việc khiếu kiện và có đầy đủ các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi can thiệp của người sử dụng lao động chống lại người lao động và tổ chức của người lao động nhằm bảo đảm việc thực thi Điều 1 và Điều 2 Công ước số 98. (19) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 932: Cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được chỉ định để giải quyết tranh chấp giữa các bên trong thương lượng tập thể phải độc lập và việc nhờ những người này phải trên cơ sở tự nguyện. (20) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 930, 992: Pháp luật quy định hòa giải bắt buộc là đi ngược lại với nguyên tắc thương lượng tự nguyện được bảo vệ đặc biệt trong Công ước số 98. Quy định buộc phải theo trình tự trọng tài bắt buộc khi các bên không đạt được thỏa thuận về thỏa ước lao động tập thể dẫn đến những khó khăn liên quan đến việc áp dụng Công ước số 98. (21) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 994: Việc áp dụng trọng tài bắt buộc khi các bên không đạt được thỏa thuận thông qua thương lượng tập thể chỉ có thể được cho phép trong trường hợp thương lượng tập thể diễn ra ở khu vực dịch vụ thiết yếu hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt của khái niệm dịch vụ thiết yếu (ví dụ các dịch vụ mà khi ngừng các dịch vụ này sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng, an toàn cá nhân hoặc sức khỏe của một bộ phận hoặc toàn bộ dân chúng). (22) Ủy ban chuyên gia về áp dụng các công ước và khuyến nghị của ILO (CEACR), Quan sát của ủy ban thông qua năm 2012 và công bố tại phiên họp lần thứ 102 của Hội nghị lao động quốc tế (2013) về việc áp dụng Công ước số 98 của Chính phủ Botswana. (23) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 935, 937: Việc cả người sử dụng lao động và CĐ thương lượng với thiện chí và cố gắng để đạt được thỏa thuận là rất quan trọng; hơn nữa, các cuộc thương lượng thực chất và mang tính xây dựng là yếu tố cần thiết để thiết lập và duy trì quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa các bên. Nguyên tắc người sử dụng lao động và CĐ phải thương lượng với thiện chí và nỗ lực để đạt được thỏa thuận được hiểu là phải tránh bất cứ việc trì hoãn không có lý do trong quá trình đàm phán. (24) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 884: Ủy ban Tự do Hiệp hội đã chỉ ra tầm quan trọng của việc gắn kết quyền của các tổ chức đại diện trong đàm phán không kể các tổ chức này đã đăng ký hay chưa. (25) Tổng điều tra của ILO năm 2012, đoạn 205: Sự can thiệp của tổ chức cấp trên, theo quy định của pháp luật, trong quá tình thương lượng của cấp dưới là không tương thích với quyền tự chủ của các bên trong quá trình thương lượng. (26) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 912: Các biện pháp đơn phương của cơ quan công quyền nhằm hạn chế phạm vi những vấn đề có thể đàm phán thường được coi là không tương thích với Công ước số 98. (27) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 988: Theo nguyên tắc thương lượng tập thể tự do và tự nguyện tại Điều 4 của Công ước số 98, việc xác định cấp thương lượng là vấn đề cốt lõi các bên phải được trao quyền tự chủ quyết định, do đó, cấp đàm phán không nên được quy định bởi pháp luật hay bởi quyết định của cơ quan hành chính hoặc bằng các quyết định tiền lệ của cơ quan quản lý lao động. |
Bài:TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đồ họa: Thu Chinh |