Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Đây là động lực cơ bản để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, để xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh, điều kiện tiên quyết là tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) phải duy trì được sự ổn định, tiến bộ và tăng trưởng, đảm bảo sức chống chịu trước những cú sốc về kinh tế - xã hội như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng cao, tốc độ trượt giá, lạm phát... Điều này là thách thức lớn cho lực lượng lao động ở Việt Nam với 50,6 triệu người có việc làm (Tổng cục Thống kê, 2022. Có tới 31,9 triệu người (tỷ lệ 63,2%) sống ở khu vực nông thôn. Số người đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên là 13,5 triệu người, chỉ chiếm 26,2% lực lượng lao động. Số lượng CNLĐ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực sản xuất cơ bản như công nghiệp và xây dựng (17,0 triệu người, chiếm 33,6%); dịch vụ (19,7 triệu người, chiếm 38,9%), khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (13,9 triệu người, chiếm 27,5%). Bên cạnh đó, năm 2020 và 2021, Việt Nam nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2019 đến 2022 chỉ đạt trên dưới một nửa so với mức trên 7% của giai đoạn 2015-2019 (theo Tổng cục Thống kê). Ngoài tác động tiêu cực kinh tế vĩ mô, đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống hàng ngày của người lao động (NLĐ) và hộ gia đình. Cán bộ công đoàn trao đổi với công nhân sản xuất linh kiện điện tử Công ty TNHH Year 2000 (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Viện CNCĐ. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch khá tốt (theo Forbes), năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi, nhưng thiếu ổn định. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới do ảnh hưởng của chiến tranh và dịch bệnh, cộng với lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn, đẩy giá nguyên vật liệu tăng, cùng với các chi phí vận tải, logistic tăng. Nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như Âu, Mỹ, Trung, Nhật sụt giảm. Tình trạng thiếu đơn hàng khiến doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn. 06 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình trạng không tuyển mới nhân sự diễn ra ở một số DN sản xuất do thiếu đơn hàng. Một số DN phải cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng, hoặc không ký lại hợp đồng hết thời hạn. Trước tình hình đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Những chính sách này hướng đến giải quyết tích cực cho vấn đề việc làm của NLĐ. |
86,5% lao động có việc làm ổn định Với các giải pháp khẩn trương, đồng bộ nhằm khôi phục và thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, phần lớn NLĐ có việc làm ổn định. So với năm 2021, việc chỉ có 13,5% lao động có tình hình công việc không ổn định là thành công lớn, cho thấy nỗ lực điều tiết thị trường việc làm của Chính phủ. Tỷ lệ thiếu việc làm chủ yếu rơi vào loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài (17,8% lao động so với mức 9,9% của DN nhà nước/cổ phần hóa). Biểu đồ 1. Tình hình thiếu việc làm của NLĐ phân theo lĩnh vực ngành nghề (%) Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện CNCĐ, tháng 10-11/2022 - Xét theo lĩnh vực ngành nghề: Tình trạng thiếu đơn hàng, công việc giảm tập trung vào các ngành nghề thâm dụng lao động, có tỷ trọng suất khẩu lớn hoặc chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên phụ liệu thế giới. Đứng đầu là lao động điện - điện tử, gần 27% thiếu việc làm. Một trong các nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm (nguyên liệu chính sản xuất mặt hàng công nghệ) khiến cho tình hình giá nguyên, phụ liệu, linh kiện điện tử tăng cao, trong khi nhu cầu sử dụng các mặt hàng công nghệ đi xuống, lượng đơn hàng của ngành Điện - điện tử suy giảm mạnh. Các ngành có lao động bị ảnh hưởng nhiều tiếp theo là Nông, lâm, Thủy sản, Dệt may - da giày, Chế biến gỗ. |
Công nhân Xây dựng công nghiệp Công ty Cổ phần Việt Vương (Phú Thọ). Ảnh: Viện CNCĐ. |
Số giờ làm việc trung bình thấp hơn giờ tiêu chuẩn Tổng số giờ làm việc của NLĐ ở mức 43,5 giờ/ tuần, tương đương 7 giờ 25 phút/ngày, giảm 10% số giờ làm việc thông thường (8 giờ/ ngày). 61,2% lao động đi làm không có tăng ca. Lao động ngành Du lịch - dịch vụ, Giao thông - vận tải có số giờ làm việc trong tuần thấp nhất, lần lượt là 40,7 giờ và 41,7 giờ. Do giảm, hoặc không có tăng ca ở DN, NLĐ làm thêm bên ngoài nhiều hơn để bù đắp thu nhập giảm. Tổng số giờ làm thêm là 10,26 giờ/tuần (bao gồm cả chủ nhật), tương đương với mức gần 1 giờ 46 phút/ngày. Các công việc làm thêm bán thời gian chủ yếu là các công việc lao động phổ thông đơn giản, trả công theo giờ. Một số lao động cân nhắc chuyển sang làm tài xế công nghệ như một công việc chính vì mức thu nhập cao hơn. Quan hệ lao động cơ bản hài hòa, ổn định Có sự chia sẻ giữa NLĐ và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khi tình hình lao động sản xuất bị đình trệ do các biện pháp phòng chống dịch. Trong 6 tháng cuối năm 2022, NLĐ cũng hiểu và chia sẻ với khó khăn của DN khi không có đơn hàng phải giảm sản lượng, tạm hoãn HĐLĐ, thậm chí đóng cửa. Tuy nhiên, ở một số DN, đơn vị, quyền lợi của NLĐ vẫn chưa được đảm bảo. Vẫn còn gần 20% lao động ít được tham gia đối thoại, thương lượng tại DN. Chủ đề trong các cuộc đối thoại, thương lượng tại DN chủ yếu về tiền lương, thu nhập. Các vấn đề quan tâm khác là thời giờ làm việc và điều kiện môi trường làm việc. Việc phổ biến, tuyên truyền về kết quả của các buổi đối thoại còn hạn chế, nội dung không được cung cấp đầy đủ, đôi khi khiến NLĐ lầm tưởng là chính sách chung do chủ DN chủ động ban hành, chứ không biết đó là kết quả mới đạt được từ đối thoại, thương lượng của công đoàn và CNLĐ. |
Công nhân May Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (Vĩnh Phúc) trả lời bảng hỏi do Viện Công nhân và Công đoàn khảo sát. Ảnh: Viện CNCĐ. |
Mặc dù tình hình việc làm còn khó khăn, nhưng nhìn chung, thu nhập của NLĐ có sự tăng trưởng tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của NLĐ năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng (13,8%) so với năm 2021 và tăng 759 nghìn đồng (11,9%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lao động nam là 7,6 triệu đồng; lao động nữ là 5,6 triệu đồng. Khảo sát của Viện CNCĐ, NLĐ có tổng thu nhập trung bình ở mức 8,74 triệu đồng/ tháng. Trong đó, tiền lương cơ bản ở mức 5,9 triệu đồng. Mức thu nhập phản ánh đúng GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2022 (khoảng hơn 4.100 USD). Khi so sánh giữa các ngành, do sự sụt giảm nhu cầu đi lại trong nước và thị trường du lịch quốc tế chưa thực sự hồi phục nên lao động các nhóm ngành này có mức thu nhập thấp hơn các ngành khác. Bên cạnh đó, do chủ yếu tập trung gia công cho các thương hiệu thời trang lớn nên lao động ngành Dệt may - da giày có thu nhập không cao. Đây là điểm cần hướng tới cải thiện để lao động Việt Nam có thể cải thiện thu nhập đúng với giá trị thị trường mà sản phẩm của họ tạo ra. Bảng 1: Lương cơ bản, mức thu nhập và mức chi tiêu của NLĐ (VNĐ) Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện CNCĐ, tháng 10-11/2022 |
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn tình trạng thiếu đơn hàng, công việc giảm tập trung vào các ngành nghề thâm dụng lao động, có tỷ trọng suất khẩu lớn hoặc chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên phụ liệu thế giới trong đó có ngành Thủy sản. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung (TP. Đà Nẵng) trong giờ sản xuất. Ảnh: Viện CNCĐ. |
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục mở rộng bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) để ngày càng có nhiều NLĐ có cơ hội được tham gia BHXH và được thụ hưởng chế độ hưu trí khi về già. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế, việc làm khó khăn vừa qua, 18% NLĐ cho biết đã từng rút, hoặc có ý định rút BHXH một lần. Đối tượng rút BHXH một lần chiếm khá nhiều ở nhóm lao động có tuổi đời chưa quá 35 tuổi (chiếm khoảng 15-20%), đã đóng BHXH được 18-19 năm. Lao động lớn tuổi ít rút hơn. Lý do rút BHXH của nhóm từ 35 tuổi trở xuống là theo tính toán, họ vẫn có đủ thời gian đóng bảo hiểm lại một lần nữa để sau này hưởng lương hưu. Ngoài ra, do nhóm tuổi này đều là các lao động thạo việc, lành nghề, sung sức, năng suất sản lượng cao, nên DN thường có nhu cầu tuyển lại ngay. Bên cạnh đó, sau khi đăng ký đóng lại BHXH, mặc dù lương khởi điểm thấp, quay về như lao động mới tuyển, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mức lương đã được hồi phục gần như cũ do được hưởng phụ cấp, nhân các hệ số tay nghề, kinh nghiệm… Tuy nhiên, nhìn chung, lý do chính của việc rút BHXH một lần là do NLĐ gặp khó khăn về kinh tế. Các hỗ trợ của Nhà nước, DN, Công đoàn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, không hỗ trợ được toàn bộ các đối tượng lao động. Đa phần lao động phổ thông làm công hưởng lương, tích lũy thấp. |
Ngoài ra, theo suy nghĩ của NLĐ, mức đóng BHXH cao, trong khi hưởng lương hưu thấp, dù bù trừ trượt giá thì sau này kể cả có đóng đủ đến khi về hưu thì mức nhận cũng thấp; chưa kể thời gian đóng BHXH dài; tuổi nghỉ hưu tăng lên. Trong khi hiện tại khó khăn về tài chính hiện hữu khiến nhiều NLĐ tìm đến việc rút BHXH một lần như một giải pháp tạm thời. Chính vì vậy, cần phải xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định về nhận BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Nhìn chung, mức độ hồi phục và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có sự cải thiện đáng kể sau bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của CNLĐ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ổn định trong ngắn hạn và đối diện nhiều thách thức. Mặc dù vậy, các vấn đề này chắc chắn sẽ sớm được giải quyết khi các biện pháp của Chính phủ được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được đề cập trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022. Với nguồn nhân lực dồi dào, dư địa kinh tế còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là với quyết tâm, khát vọng phát triển đất nước, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng Việt Nam sẽ sớm quay trở lại duy trì tốc độ phát triển hàng đầu khu vực, một cách chủ động và bền vững. |