e magazine
05/12/2022 17:41
Bài 1: Quan niệm thế nào về giai cấp công nhân trong cơ cấu xã hội - giai cấp hiện nay

05/12/2022 17:41

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030 và 2045: “Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Vai trò của Công đoàn trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh:

Bài 1: quan niệm thế nào về giai cấp công nhân trong cơ cấu xã hội – giai cấp hiện nay?

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030 và 2045: “Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Vai trò của Công đoàn trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại trong năm 2021. Ảnh: ĐỨC HÀ

Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giai cấp công nhân và Nhân dân ta. Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mục tiêu tổng quát mà Đảng và nhân dân ta phấn đấu đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (1).

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát phát triển đất nước ta đến giữa thế kỉ XXI là: “… Phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (2). Theo đó, mục tiêu cụ thể là: “Đến năm 2030: … là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: … trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (3).

Mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta xuất phát từ thực trạng và vai trò, vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang và sẽ tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Một khi các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì vấn đề kiên định lập trường giai cấp công nhân, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, trưởng thành về mọi mặt, ngang tầm với nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của nó là vấn đề vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược hàng đầu. Đó cũng là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế; là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, của chính giai cấp công nhân.

Bài 1: Quan niệm thế nào về giai cấp trong nhân trong cơ cấu xã hội - giai cấp hiện nay

Khu công nghiệp Becamex Bình Dương tập trung số lượng lớn công nhân lao động. Ảnh: TL

Giai cấp công nhân là một trong những động lực chính của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến và phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa X đã xác định mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân là: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; ngày càng được tri thức hóa: Có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao” (4).

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân trong 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến 2045 như sau: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…” (5).

Để đạt được mục tiêu nêu trên, phát huy vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần phải thực hiện và thực hiện bằng được những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách sau đây:

Một là, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện lý luận về giai cấp công nhân, về vai trò của giai cấp công nhân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Bài 1: Quan niệm thế nào về giai cấp trong nhân trong cơ cấu xã hội - giai cấp hiện nay
Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: TL

Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân, về giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện những luận cứ khoa học, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra về giai cấp công nhân trong lịch sử đương đại; khắc phục những nhận thức không đầy đủ về giai cấp công nhân nói chung, về giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng; dự báo những xu hướng biến động của giai cấp công nhân để có cơ sở lý luận và thực tiễn đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, phát triển toàn diện, xứng đáng là lực lượng tiên phong, lãnh đạo cách mạng (thông qua đội tiền phong) trong giai đoạn mới.

Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, ngày càng sâu, rộng hiện nay, hàng loạt vấn đề bức xúc, nhất là các vấn đề xã hội đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết về việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, về tổ chức Công đoàn và phong trào công đoàn, về quan hệ lao động giữa chủ và thợ, nhất là trong các doanh nghiệp liên doanh, 100% vốn đầu tư của nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Phải tập trung giải quyết những vấn đề đó để bảo đảm ổn định và phát triển, đó là điều cần thiết và cấp bách. Song lại có một thực tế khác không thể lảng tránh, đó là, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, với sự đa dạng các thành phần kinh tế, đa dạng các hình thức sở hữu, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh và đa dạng các hình thức phân phối... tất yếu dẫn tới một cơ cấu xã hội - giai cấp cũng rất đa dạng, biến động thường xuyên. Trong một cơ cấu xã hội - giai cấp như vậy thì quan niệm về giai cấp công nhân là thế nào? Dưới tác động công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của kinh tế thị trường, kinh tế tri thức, của công nghệ thông tin, của toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế... giai cấp công nhân có những biến đổi như thế nào, đặc điểm, vai trò và xu hướng phát triển của nó ra sao, những ai được coi là công nhân nhìn từ những tác động đó? Không làm rõ những vấn đề này về mặt lý luận thì sẽ không có cơ sở khoa học để giải quyết các vấn đề về chính sách, cơ chế, luật pháp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp và phát huy quyền làm chủ của công nhân.

Bài 1: Quan niệm thế nào về giai cấp trong nhân trong cơ cấu xã hội - giai cấp hiện nay
Bữa cơm đạm bạc của gia đình công nhân. Ảnh: UYÊN PHƯƠNG

Hàng loạt vấn đề khác cần được nghiên cứu một cách thấu đáo như: Quan hệ giữa công nhân và lao động, công nhân với công chức, viên chức nhà nước trong hệ thống công quyền; quan hệ giữa công nhân với doanh nhân, doanh nghiệp; quan hệ giữa công nhân với công đoàn và nghiệp đoàn; quan hệ giữa các bộ phận, tầng lớp trong cơ cấu nội tại của giai cấp công nhân; quan hệ giữa công nhân với nông dân, giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn; quan hệ giữa công nhân với trí thức; quan hệ giữa giai cấp công nhân với Đảng; mối quan hệ giữa việc làm và đời sống của công nhân và giai cấp công nhân nước ta hiện nay,... Tổng hợp các mối quan hệ trên sẽ bao quát toàn diện tình hình, thực trạng công nhân và giai cấp công nhân ở nước ta, cho thấy lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá có ảnh hưởng tới đời sống công nhân, ý thức chính trị, tình cảm và niềm tin của công nhân và giai cấp công nhân nước ta đối với những vấn đề hệ trọng của công cuộc đổi mới, đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Cần có các đề tài khoa học - thực tiễn đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề đó; tạo điều kiện thuận lợi và giao cho các cơ quan khoa học (Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn, các học viện, nhà trường...) nghiên cứu một cách cơ bản; trên cơ sở đó đề xuất những chủ trương, giải pháp chiến lược, cơ bản và những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, phát huy được vai trò của nó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.15.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.112.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.112.

4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa X.

5. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Bài viết: Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn - nguyên Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương

Xem phiên bản di động