e magazine
01/11/2022 15:54
Bài 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87

01/11/2022 15:54

Công ước số 87 năm 1948 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức là một trong 10 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Tác động của việc phê chuẩn và thực hiện Công ước 87 và Công ước 98 của ILO và khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam

bài 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87

Công ước (CƯ) số 87 năm 1948 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức là một trong 10 CƯ cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Kì 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã có buổi tiếp và làm việc với bà Dora Correia, Giám đốc phụ trách Thương mại và Phát triển bền vững của Nghị viện Châu Âu để trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến vấn đề lao động trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ảnh: CHÍ TÂM

Với tư cách thành viên của ILO, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị trong việc tôn trọng thực hiện các tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động (1).

Năm 2019, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước số 98 của ILO về bảo vệ quyền tổ chức và thương lượng tập thể, ban hành Bộ luật Lao động sửa đổi. Để thực thi cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới và trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế khác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó xác định Công ước số 87 về quyền tự do liên kết sẽ được trình xem xét gia nhập trong năm 2023.

Những cam kết chính trị và những định hướng lớn nêu trên là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện những đổi mới sâu rộng trong lĩnh vực lao động, bao gồm cả những đổi mới về luật pháp, thiết chế và thực tiễn quan hệ lao động cũng như tổ chức, hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, từ những định hướng lớn đến những cải cách cụ thể về các lĩnh vực nói trên có khối lượng công việc rất lớn với nhiều khó khăn, thách thức. Trong một số trường hợp, việc thực hiện những đổi mới cụ thể còn khó khăn hơn nhiều việc đề ra những định hướng lớn.

Bài viết này thảo luận về những nội dung cơ bản của Công ước 87, Công ước 98 và một số khuyến nghị đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam về một số công việc cần thực hiện về tái cấu trúc tổ chức hoạt động, về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, về việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ, thúc đẩy quyền lợi của người lao động thông qua đối thoại và thương lượng tập thể.

Kì 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87

LĐLĐ TP Hồ Chí Minh chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: THANH NGA

Công ước số 87 năm 1948 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức là 1 trong 10 CƯ cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Tính đến thời điểm tháng 10/2022, đã có 157 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn CƯ này. Mặc dù tỷ lệ các quốc gia phê chuẩn CƯ 87 thấp hơn so với các CƯ cơ bản khác, song có thể thấy đa số các quốc gia đã phê chuẩn CƯ này. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ phê chuẩn CƯ 87 thấp (dưới 50%). Trong khu vực ASEAN, mới chỉ có 4/10 quốc gia phê chuẩn là Cambodia, Indonesia, Myanmar và Phillipines (2).

Việt Nam chưa phê chuẩn CƯ số 87 của ILO, song theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, một quốc gia dù chưa phê chuẩn vẫn có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nội dung của CƯ một cách thành ý (3).

Nội dung cơ bản của CƯ 87 bao gồm: Quyền của mọi NLĐ được tự do thành lập và gia nhập Công đoàn (CĐ) theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức CĐ trong việc quyết định những vấn đề nội bộ của mình như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức CĐ trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn, theo ngành nghề, vùng miền, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn này cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức CĐ tại cơ sở; các tổ chức của NLĐ nêu trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan hành chính của Chính phủ.

Phần tiếp theo của bài viết tập trung thảo luận về các khía cạnh cụ thể của quyền tự do thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ của NLĐ, và quyền tự chủ, tự quản của tổ chức CĐ.

Kì 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87
Công đoàn Công ty Newwing Technology hỗ trợ chị Lục Thị Liên (công nhân bị tai nạn giao thông tổn thương 1 cánh tay). Ảnh: HẢI YẾN.

1. Quyền của NLĐ tự do thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ theo sự lựa chọn của chính mình mà không cần phải xin phép trước

Đối tượng áp dụng: Mọi NLĐ, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, đều có quyền thành lập và gia nhập CĐ.

Theo quy định tại Điều 2 CƯ 87 và các giải thích chính thức của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO (4), đối tượng áp dụng CƯ là tất cả NLĐ, không có bất cứ sự phân biệt dựa trên bất cứ đặc điểm nào như nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác, nguồn gốc xuất thân, dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, quan điểm tôn giáo, chính trị.v.v… đều có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập CĐ.

CƯ chỉ có một ngoại lệ đối với đối tượng là những người làm việc trong lực lượng Quân đội và Công an. Theo đó, quyền thành lập, gia nhập CĐ của lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ do pháp luật quốc gia quy định, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình.

Quyền tự do của NLĐ trong việc thành lập và gia nhập CĐ theo sự lựa chọn của chính mình.

Quyền tự do thành lập, gia nhập CĐ của NLĐ theo quy định tại Điều 2 CƯ 87 được hiểu rất rộng. Bên cạnh quyền thành lập, gia nhập hay không thành lập, không gia nhập CĐ, NLĐ còn có quyền tự do trong việc quyết định tổ chức của mình có gia nhập, liên kết với tổ chức khác hay không. Điều này đồng nghĩa với việc một tổ chức CĐ đã được thành lập không thể là rào cản cho việc ra đời một tổ chức CĐ khác, cả ở cấp doanh nghiệp và các cấp cao hơn (5).

Theo Ủy ban về Tự do hiệp hội, luật pháp quốc gia có thể có các quy định về điều kiện, thủ tục và thể thức thành lập CĐ nhằm bảo đảm hoạt động phù hợp của CĐ, miễn là các quy định đó không phương hại đến các quyền được bảo đảm theo quy định của CƯ 87 (6).

Tuy nhiên, sẽ là không phù hợp với yêu cầu của CƯ 87 nếu những quy định trên của luật pháp quốc gia đưa ra các quy định như DN phải đi vào hoạt động sau một thời hạn nhất định thì NLĐ mới được thành lập tổ chức CĐ (7); số lượng NLĐ tối thiểu quá cao (hoặc là số tuyệt đối hoặc số tương đối so với tổng lực lượng lao động trong DN) (8) thời hạn xem xét đăng ký CĐ quá dài (9); từ chối đăng ký CĐ dựa trên những đánh giá chủ quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; … (10).

Kì 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87Đồng chí Cổ Thế Chung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gio Linh (Quảng Trị) trao Quyết định kết nạp đoàn viên cho NLĐ. Ảnh: LĐLĐ GIO LINH

2. Quyền tự chủ, tự quản của tổ chức CĐ sau khi được thành lập

Điều 3, CƯ 87 quy định rất khái quát về quyền tự chủ, tự quản của tổ chức CĐ sau khi được thành lập, cụ thể là: “Các tổ chức của NLĐ và của NSDLĐ có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình. Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó”. Theo đúng ngôn từ diễn đạt trên của CƯ, có thể thấy sự tự chủ, tự quản của CĐ đề cập ở đây chủ yếu là sự tự chủ, tự quản của CĐ trong mối quan hệ với Nhà nước. Phần này của Báo cáo sẽ lần lượt xem xét quyền tự chủ, tự quản của CĐ về 4 khía cạnh chủ yếu, bao gồm: 1) quyền tự chủ trong việc ban hành điều lệ và các nguyên tắc tổ chức hoạt động; 2) tự do bầu người đại diện của mình; 3) tự chủ, tự quản về tài chính; 4) tự do trong việc xây dựng và thực hiện các hoạt động CĐ.

2.1. Quyền tự chủ của CĐ trong việc xây dựng điều lệ và những nguyên tắc tổ chức hoạt động

- Quy định của pháp luật về nội dung của điều lệ và sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Trong khi CƯ quy định các tổ chức CĐ được quyền tự chủ trong việc xây dựng điều lệ và các nguyên tắc tổ chức hoạt động, Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO xác định rằng việc pháp luật có những quy định về những nội dung cụ thể cần phải có trong điều lệ của tổ chức CĐ đang đăng ký hoạt động là không trái với quy định của CƯ 87 về quyền tự do của CĐ trong việc ban hành điều lệ hoạt động (11).

Tuy nhiên, cần chú ý rằng những yêu cầu đó của pháp luật chỉ nên dừng lại ở khuôn khổ chung của một điều lệ cần phải có nhằm bảo đảm mục tiêu của tổ chức là để bảo vệ lợi ích của đoàn viên (12) và để bảo đảm hoặc thúc đẩy nguyên tắc dân chủ trong nội bộ tổ chức CĐ như nguyên tắc ra quyết định thông qua bỏ phiếu kín, trực tiếp là nguyên tắc cần được ghi nhận trong điều lệ (13). Những quy định hạn chế quá chi tiết về nội dung của điều lệ hoặc về các nguyên tắc tổ chức hoạt động của tổ chức CĐ đang đăng ký hoạt động có thể làm phương hại tới sự ra đời và phát triển của các tổ chức đại diện NLĐ và do đó không phù hợp với nguyên tắc của CƯ 87 về quyền tự chủ của CĐ trong việc đề ra điều lệ và nguyên tắc tổ chức hoạt động. Ví dụ, pháp luật có thể có quy định yêu cầu CĐ phải ghi trong điều lệ của mình nguyên tắc: đối với những vấn đề quan trọng của tổ chức như sửa đổi điều lệ, thay đổi cấu trúc, giải thể tổ chức vv… thì phải được đa số đoàn viên quyết định thông qua bỏ phiếu kín, trực tiếp. Tuy nhiên, nếu luật pháp quy định cụ thể tỷ lệ đa số đoàn viên đồng ý quá cao để quyết định mới được thông qua thì có thể đó là sự can thiệp quá mức cần thiết vào quyền tự chủ của CĐ, làm ngăn cản quá trình ra quyết định của họ (14).

Cũng vì lý do trên, Ủy ban về Tự do Hiệp hội cũng cho rằng cần phải có những quy định về thủ tục khiếu nại đối với một cơ quan tư pháp độc lập và trung lập trong trường hợp CĐ cho rằng các yêu cầu về nội dung của điều lệ là không thỏa đáng, can thiệp quá mức vào tính tự chủ của tổ chức trong việc xây dựng điều lệ và nguyên tắc tổ chức hoạt động (15).

- Quy định về tổ chức nội bộ của CĐ và mối quan hệ giữa các cấp CĐ

Điều 3 CƯ 87 được Ủy ban về Tự do hiệp hội giải thích chi tiết thêm, bao gồm cả quyền của NLĐ và tổ chức của họ trong việc tự do xác định và lựa chọn về mô hình và cấu trúc tổ chức của mình. Điều đó cũng có nghĩa là những nội dung này không nên do pháp luật quy định mà do chính các tổ chức CĐ quyết định (16).

Về mối quan hệ giữa các tổ chức CĐ ở các cấp khác nhau, Ủy ban về Tự do hiệp hội cũng cho rằng đây là vấn đề thuộc quyền tự chủ của CĐ, cần phải được tôn trọng bởi các cơ quan công quyền. Và như vậy, đây cũng không là chủ đề thuộc phạm vi quy định của pháp luật (17). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là luật pháp không được có bất cứ quy định nào liên quan đến cấu trúc, tổ chức của CĐ. Luật vẫn có thể có những quy định về những yêu cầu cơ bản đối với việc thành lập và đăng ký của các liên đoàn hoặc tổng liên đoàn.

Kì 1: Nội dung cơ bản của Công ước 87
LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 27 cuộc đối thoại với đoàn viên, NLĐ trong Tháng Công nhân. Ảnh: ĐVCC

2.2. Quyền của CĐ trong việc tự do bầu người đại diện của mình

Tổ chức của NLĐ được quyền tự do bầu người đại diện của mình là một trong những nguyên tắc tối quan trọng của CƯ 87 nhằm bảo đảm đầy đủ quyền tự do liên kết của NLĐ. Tư tưởng chung của CƯ 87 là tổ chức của NLĐ nên có toàn quyền tự do trong việc quy định và thực hiện một loạt các nội dung liên quan đến bầu cử như: trình tự, thủ tục, cách thức bầu cử; tiêu chuẩn của người đi bầu và người được bầu; thời hạn và nhiệm kỳ của người được bầu; … Nhà nước cần hạn chế tối đa việc can thiệp vào các nội dung trên, cho dù đó là sự can thiệp thông qua quy định của pháp luật hoặc thông qua các hành động cụ thể trên thực tế, nếu sự can thiệp đó có nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc thực hành quyền này của NLĐ và tổ chức của họ trên thực tế một cách tự do (18).

Nhìn chung, nhà nước - thông qua các quy định của pháp luật - chỉ có thể có các quy định nhằm mục đích bảo đảm và thúc đẩy nguyên tắc dân chủ trong việc bầu cử CĐ hoặc nhằm bảo đảm việc bầu cử diễn ra một cách khách quan, công bằng trên cơ sở tôn trọng quyền thực chất của đoàn viên (19). Và như vậy, những quy định của pháp luật về bầu cử định kỳ tương ứng với thời hạn tối đa của nhiệm kỳ CĐ; những quy định về nguyên tắc bầu cử phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín là không trái với nguyên tắc về quyền tự do bầu đại diện của NLĐ theo CƯ 87 (20).

Về điều kiện đối với ứng cử viên để có thể được bầu trở thành cán bộ CĐ, đây là một trong những chủ đề Ủy ban về Tự do Hiệp hội quan tâm đặc biệt vì nó là một trong những vấn đề có nhiều khiếu kiện của các tổ chức CĐ gửi đến ILO liên quan đến sự can thiệp quá mức của nhà nước vào bầu cử CĐ. Nguyên tắc chung là việc xác định điều kiện đối với đoàn viên và ứng cử viên cho bầu cử CĐ cũng là vấn đề do CĐ tự quyết định, nhà nước cần hạn chế tối đa việc can thiệp vào chủ đề này nếu sự can thiệp đó ảnh hưởng đến việc thực hành quyền này của họ một cách tự do (21). Giả sử CĐ được thành lập trong phạm vi một doanh nghiệp thì nhìn chung, những quy định về những điều kiện như ứng cử viên để bầu cán bộ CĐ phải là NLĐ của DN (22); phải làm việc cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian tối thiểu nhất định (23); các yêu cầu về lý lịch tư pháp (24); điều kiện để có thể được tái cử vv… đều là những qui định thể hiện sự can thiệp của nhà nước vào bầu cử CĐ.

2.3. Quyền tự chủ, tự quản về tài chính CĐ

Quyền tự chủ, tự quản những vấn đề nội bộ của CĐ cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm sự tự chủ, tự quản về tài chính mà còn cả những vấn đề quản trị nội bộ khác như giải quyết tranh chấp nội bộ, việc thuê và sử dụng các dịch vụ tư vấn vv… Tuy nhiên, trong các vấn đề quản trị nội bộ CĐ thì những nội dung liên quan đến quản lý tài chính CĐ là quan trọng nhất, dành được sự quan tâm đặc biệt của Ủy ban về Tự do hiệp hội.

Các vấn đề cụ thể liên quan đến quyền tự chủ, tự quản tài chính của CĐ thường chủ yếu bao gồm: những nguồn thu tài chính CĐ (bao gồm cả việc NSDLĐ trả lương cho cán bộ CĐ chuyên trách, các khoản hỗ trợ, trợ cấp từ chính phủ và các tổ chức, cá nhân khác); cách thức thu đoàn phí CĐ; những hạn chế đối với việc sử dụng ngân sách CĐ; việc kiểm soát đối với việc thu và sử dụng kinh phí CĐ.

Cũng tương tự như các lĩnh vực khác, nguyên tắc của CƯ là CĐ cần có quyền hoàn toàn tự chủ và tự quản đối với việc thu, chi và quản lý tài chính nội bộ của mình. Sự can thiệp của nhà nước, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở những quy định hoặc can thiệp nhằm mục tiêu bảo đảm quyền dân chủ của đoàn viên (25) và trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật một cách rõ ràng thì việc can thiệp phải được thực hiện bởi cơ quan tư pháp độc lập và trung lập (26). Sự hỗ trợ tài chính của nhà nước để từ đó cho phép nhà nước kiểm soát CĐ (27); sự hạn chế, kiểm soát của nhà nước đối với việc sử dụng tài chính CĐ đều có thể bị xem là không phù hợp với nguyên tắc tự chủ và tự quản về tài chính theo tinh thần của CƯ 87 (28). Trong khi những quy định yêu cầu tài chính CĐ cần phải được kiểm toán độc lập và báo cáo định kỳ là không trái với CƯ, thì những quy định cho phép chính phủ có quyền kiểm toán đối với tài chính CĐ, hoặc chính phủ có quyền thanh tra hoặc yêu cầu CĐ báo cáo tài chính bất cứ khi nào lại bị xem là không phù hợp với CƯ (29).

2.4. Quyền tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện các hoạt động CĐ

- Nguyên tắc chung

Quyền tự chủ, tự quản của CĐ bao gồm cả quyền tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình công tác, hoạt động CĐ nhằm theo đuổi và đấu tranh cho các quyền, lợi ích nghề nghiệp và trong công việc của đoàn viên. Nhà nước cần hạn chế việc can thiệp vào việc xây dựng và thực hiện các hoạt động, chương trình công tác thuộc chức năng CĐ. Những quy định của pháp luật cho phép cơ quan công quyền hạn chế các hoạt động trên của CĐ là không phù hợp với tinh thần của nguyên tắc tự do liên kết (30).

Tuy nhiên, Ủy ban về Tự do hiệp hội cho rằng các tổ chức CĐ cần giới hạn các hoạt của mình thuần túy là các hoạt động CĐ trong các hình thức và lĩnh vực nhằm bảo vệ và thúc đẩy cho lợi ích nghề nghiệp và trong công việc của đoàn viên, mà không được lạm dụng sang các lĩnh vực khác (31).

- Mối quan hệ giữa CĐ với đảng chính trị

Khi nói về quyền tự chủ của CĐ trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình công tác, kế hoạch hoạt động, thì một vấn đề cần được quan tâm là mối quan hệ giữa CĐ với đảng chính trị. Về vấn đề này, Nghị quyết của Hội nghị lao động quốc tế lần thứ 35 (1952) về sự độc lập của phong trào CĐ đã xác định sứ mệnh thường trực và cốt lõi của CĐ là đấu tranh và thúc đẩy cho các quyền lợi kinh tế, xã hội của NLĐ một cách phù hợp với luật pháp và thực tiễn của quốc gia. Để đạt được các mục đích đấu tranh về kinh tế, xã hội này cho đoàn viên, CĐ có thể có mối quan hệ với đảng chính trị. Tuy nhiên, mối quan hệ với đảng chính trị này phải do chính đoàn viên và tổ chức CĐ đó quyết định (32). Ủy ban về Tự do Hiệp hội có quan điểm khá rõ ràng về vấn đề này như sau:

Về phía nhà nước, luật pháp không nên có quy định nào về mối quan hệ này, bao gồm cả những quy định hoặc hành động can thiệp thực tế nhằm thúc đẩy hoặc cấm đoán mối quan hệ giữa CĐ và đảng chính trị. Đồng nghĩa với nó là luật pháp không nên có các quy định về nhiệm vụ của CĐ như tuyên truyền, giáo dục công nhân về đường lối chính trị, phát động các phong trào thi đua vv… (33).

Về phía CĐ, trong khi xác định nhà nước không nên thúc đẩy hoặc cấm đoán mối quan hệ giữa CĐ với đảng chính trị, Ủy ban về Tự do Hiệp hội đồng thời xác định CĐ không được tham gia vào các hoạt động chính trị thuần túy, có tính chất lạm dụng, xa rời mục tiêu đấu tranh cho quyền lợi kinh tế - xã hội của đoàn viên (34).

Tài liệu trích dẫn

(1) Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ đô Washington, ngày 07 tháng 7 năm 2015

(2) https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=1000:11300:0::NO:11300:P11300_INSTRUMENT-ID:3122 32

(3) Tuyên bố năm 1998 của ILO

(4) ILO, Tự do hiệp hội: Bộ Tổng tập các giải thích của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, Xuất bản lần thứ 5, năm 2006, [gọi tắt là Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO], đoạn 209: Điều 2 của Công ước số 87 được xây dựng nhằm biểu đạt nguyên tắc không phân biệt đối xử trong các vấn đề về Công đoàn; cụm từ "không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào” được sử dụng trong Điều này được hiểu rằng tự do hiệp hội phải được bảo đảm không có sự phân biệt đối xử dựa trên bất cứ đăc điểm nào về nghề nghiệp, giới tính, màu da, chủng tộc, tín ngưỡng, quốc tịch, quan điểm chính trị…v.v…, không chỉ người lao động làm việc trong khu vực tư nhân của nền kinh tế mà gồm cả công chức và người làm việc trong khu vực công nói chung.

(5) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 313, 315: Sự tồn tại của tổ chức công đoàn trong một ngành nghề cụ thể không cản trở việc thành lập một tổ chức Công đoàn khác nếu đó là nguyện vọng của người lao động. Quyền thành lập tổ chức Công đoàn của người lao động theo sự lựa chọn của chính mình, ngụ ý khả năng có thể thành lập nhiều hơn một tổ chức của người lao động trong một doanh nghiệp, nếu người lao động lựa chọn như vậy.

(6) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 275, 276: Tại Hội nghị Lao động quốc tế năm 1948, Báo cáo của Ủy ban về Tự do hiệp hội và Quan hệ lao động tuyên bố “các quốc gia thành viên được tự do quy định về trình tự, thủ tục trong hệ thống pháp luật để bảo đảm hoạt động bình thường của các tổ chức nghề nghiệp”. Do đó, quy định của luật pháp quốc gia về trình tự, thủ tục liên quan đến điều lệ và việc thực hiện chức năng của các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động là tương thích với các điều khoản của Công ước số 87, miễn là các quy định đó không phương hại đến các quyền được bảo đảm theo quy định của Công ước số 87. Mặc dù những người sáng lập tổ chức công đoàn phải tuân thủ các trình tự, thủ tục quy định bởi luật pháp quốc gia, nhưng những trình tự, thủ tục này không được làm phương hại đến quyền tự do thành lập tổ chức Công đoàn.

(7) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 277: Điều khoản quy định người lao động không được phép thành lập tổ chức của mình cho đến khi hết thời hạn ba tháng kể từ khi đơn vị có liên quan bắt đầu làm ăn có lãi là trái với Điều 2 Công ước số 87 và phải được sửa đổi để bảo đảm rằng những người lao động trong tình huống trên có thể thành lập tổ chức của mình ngay khi bắt đầu quan hệ hợp đồng

(8) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 284-292: Việc thành lập một tổ chức công đoàn được coi là bị cản trở đáng kể, thậm chí không thể thực hiện được khi luật pháp ấn định số lượng thành viên công đoàn tối thiểu phải đạt được ở một con số rõ ràng là quá cao, ví dụ, luật pháp đòi hỏi một tổ chức Công đoàn phải có ít nhất 50 thành viên sáng lập. Ngay cả khi số lượng tối thiểu 30 người là có thể chấp nhận được trong trường hợp thành lập Công đoàn ngành, thì số lượng tối thiểu này phải được giảm trong trường hợp thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp, đặc biệt, cần chú ý đến trường hợp quốc gia có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ lớn. Quy định của pháp luật yêu cầu số lượng thành viên tối thiểu để thiết lập m tổ chức Công đoàn là 20 người dường như không bị coi là quá cao, do đó, quy định này không tạo nên sự cản trở đối với việc hình thành một tổ chức Công đoàn. Quy định yêu cầu số lượng tối thiểu thành viên là 30% người lao động của đơn vị/ngành để thành lập tổ chức Công đoàn là quá cao.

(9) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 307, 308: Trình tự thủ tục đăng ký kéo dài tạo ra cản trở nghiêm trọng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn là sự phủ nhận quyền của người lao động được thành lập tổ chức của mình mà không cần sự cho phép trước. Pháp luật quy định thời gian đăng ký 01 tháng là vừa phải, hợp lý.

(10) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 305: Việc cơ quan có thẩm quyền từ chối trước đăng ký Công đoàn do nhận định chủ quan rằng việc thành lập Công đoàn đó là không phù hợp về chính trị được xem là tương đương với việc bắt buộc phải xin phép trước để thành lập công đoàn và điều đó là không tương thích với các nguyên tắc về tự do hiệp hội.

(11) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 379: Danh mục do pháp luật quy định về các nội dung cụ thể phải có trong điều lệ công đoàn, bản thân nó, không bị coi là vi phạm quyền tự do xác lập các quy định nội bộ của tổ chức của người lao động.

(12) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 369: Các điều khoản của pháp luật quy định chi tiết các nguyên tắc hoạt động nội bộ của tổ chức của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động có nguy cơ nghiêm trọng bị coi là việc can thiệp của cơ quan công quyền. Trong trường hợp cơ quan công quyền cho rằng các điều khoản này là cần thiết, thì chỉ được quy định khung cơ bản, trong đó phải dành quyền tự chủ lớn nhất có thể cho các tổ chức được tự quy định về hoạt động và quản trị của tổ chức mình. Việc hạn chế nguyên tắc tự chủ này chỉ được có mục đích duy nhất là để bảo vệ lợi ích của các thành viên và bảo đảm hoạt động dân chủ của tổ chức.

(13) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 378: Các điều khoản của pháp luật nhằm thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ trong nội bộ các tổ chức Công đoàn là có thể chấp nhận được. Nguyên tắc bỏ phiếu kín và trực tiếp là quy trình dân chủ thực sự và không thể bị phê phán.

(14) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 382: Tại một số quốc gia, pháp luật yêu cầu đa số thành viên công đoàn - ít nhất tại lần bỏ phiếu đầu tiên - quyết định những vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn tại hoặc cơ cấu của tổ chức (thông qua hoặc sửa đổi điều lệ, giải thể vv…). Quy định của pháp luật về đa số phiếu để thông qua các quyết định có liên quan đến những vấn đề cơ bản như sự tồn tại của tổ chức, cơ cấu, tổ chức của Công đoàn hoặc các quyền cơ bản của đoàn viên công đoàn không bị coi là trái Công ước, với điều kiện là những quy định này không cản trở nghiêm trọng hoạt động của tổ chức công đoàn, làm cho việc thông qua các quyết định của tổ chức là không thể thực hiện được trong thực tế trong những trường hợp thông thường; và những quy định đó là để bảo đảm quyền của các thành viên được tham gia một cách dân chủ trong tổ chức Công doàn.

(15) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 369: Cần phải có trình tự, thủ tục khiếu kiện đến cơ quan tư pháp độc lập và công bằng để tránh bất kỳ nguy cơ can thiệp quá mức hoặc tùy tiện vào việc tự do thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn.

(16) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 333: Việc tự do thực hiện quyền thành lập và gia nhập Công đoàn còn có hàm ý bao gồm cả quyền tự do xác lập cơ cấu tổ chức và các bộ phận hợp thành của công đoàn.

(17) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 386: Về nguyên tắc, quyền tự chủ của Công đoàn và của các tổ chức ở cấp độ cao hơn, bao gồm cả các quan hệ khác nhau của tổ chức Công đoàn, phải được cơ quan công quyền tôn trọng. Các quy định của pháp luật có tác động đến quyền tự chủ của tổ chức Công đoàn vì thế phải được xác định là những trường hợp ngoại lệ, trong trường hợp cần thiết vì các lý do đặc biệt, và phải cùng với tất cả các biện pháp bảo đảm có thể để chống lại sự can thiệp không chính đáng.

(18) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 391: Quyền tự do lựa chọn đại diện của tổ chức mình là điều kiện thiết yếu, không thể thiếu của tổ chức của người lao động để có thể hoàn toàn tự do hành động và thúc đẩy có hiệu quả các lợi ích của thành viên tổ chức mình. Để quyền này được công nhận hoàn toàn, vấn đề cốt lõi là cơ quan công quyền phải tránh khỏi bất cứ sự can thiệp nào có thể ảnh hưởng, hạn chế việc thực hành quyền này, dù đó là trong việc quyết định các điều kiện về tư cách của những người lãnh đạo hay là việc tiến hành các cuộc bầu cử.

(19) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 399: Các quy định của pháp luật chứa đựng các quy phạm nhằm thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ trong nội bộ tổ chức CĐ hoặc nhằm bảo đảm trình tự bầu cử được tiến hành theo cách thức thông thường và với sự tôn trọng thực chất các quyền của đoàn viên để tránh bất cứ tranh chấp nào về kết quả bầu cử không bị coi là vi phạm các nguyên tắc về tự do lập hội.

(20) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 396, 398: Về cơ bản, pháp luật quy định về bầu cử định kỳ hoặc ấn định thời hạn tối đa của nhiệm kỳ ban chấp hành CĐ không ảnh hưởng đến các nguyên tắc về tự do hiệp hội. Sự áp đặt của pháp luật về việc lãnh đạo công đoàn phải được bầu thông qua bỏ phiếu kín, trực tiếp và phổ thông là không vi phạm quyền tự do lập hội.

(21) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 405: Pháp luật phải quy định tổ chức Công đoàn có quyền tự chủ trong việc xác định điều kiện, tư cách của thành viên hoặc cán bộ công đoàn; cơ quan công quyền phải tránh bất cứ sự can thiệp nào đến việc thực hiện quyền này của tổ chức Công đoàn.

(22) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 407, 408: Việc yêu cầu một người phải làm việc trong một nghề hoặc một doanh nghiệp nhất định như là điều kiện để có thể được bầu làm cán bộ CĐ là trái với quyền của người lao động trong việc tự do bầu đại diện của họ.

(23) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 413: Quy định một trong những điều kiện để có thể trở thành cán bộ công đoàn là ứng cử viên phải là thành viên của tổ chức ít nhất từ một năm trở lên có thể được xem là quy định dẫn đến tất cả lãnh đạo công đoàn buộc phải là những người làm việc cho một nghề/ngành hoặc trong một đơn vị/doanh nghiệp mà tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động ở đó. Nếu yêu cầu như trên được áp dụng cho tất cả cán bộ công đoàn thì đó sẽ là những quy định không tương thích với nguyên tắc về tự do hiệp hội.

(24) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 419: Quy định của pháp luật yêu cầu ứng cử viên để trở thành cán bộ CĐ phải được điều tra lý lịch bởi bộ nội vụ hoặc cơ quan tư pháp được xem là những quy định yêu cầu ứng cử viên cán bộ công đoàn phải được phê duyệt trước bởi cơ quan có thẩm quyền, và do đó không tương thích với Công ước 87.

(25) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 463: Sự hạn chế duy nhất đối với các quyền quy định tại Điều 3 của Công ước số 87 có thể chấp nhận được là sự hạn chế đó phải vì mục đích duy nhất là nhằm bảo đảm các nguyên tắc dân chủ trong nội bộ phong trào công đoàn.

(26) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 464: Các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Công ước số 87 không cản trở việc kiểm soát các hoạt động nội bộ của tổ chức Công đoàn nếu những hoạt động nội bộ này vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc kiểm soát các hoạt động nội bộ của tổ chức Công đoàn và quyền áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc giải thể tổ chức Công đoàn phải được thực hiện bởi cơ quan tư pháp.

(27) Bộ Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 466: Sự độc lập về tài chính có nghĩa là tổ chức của người lao động không được cung cấp tài chính theo cách cho phép cơ quan công quyền có quyền áp đặt một cách tùy ý đối với tổ chức đó.

(28) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 469: Các điều khoản hạn chế sự tự do của tổ chức CĐ trong quản lý và sử dụng tài chính của tổ chức như ý nguyện của họ cho các mục đích công đoàn thông thường và hợp pháp là không phù hợp với các nguyên tắc tự do lập hội.

(29) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 487, 490: Khi pháp luật của nhiều quốc gia quy định tài khoản của tổ chức Công đoàn phải được kiểm toán, nhìn chung điều đó có thể chấp nhận được nếu kiểm toán viên phải là kiểm toán viên độc lập. Điều khoản cho phép Chính phủ quyền kiểm toán tài chính CĐ, do đó, không phù hợp với Công ước. Việc kiểm soát của cơ quan công quyền đối với tài chính công đoàn thường không được vượt quá nghĩa vụ gửi báo cáo định kỳ. Quyền tự quyết định tiến hành thanh tra và yêu cầu thông tin vào bất cứ lúc nào của cơ quan công quyền dẫn đến nguy cơ can thiệp vào nội bộ của tổ chức Công đoàn.

(30) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 495, 496, 497: Tự do lập hội bao gồm quyền của bản thân tổ chức Công đoàn trong việc tiến hành các hoạt động hợp pháp để bảo vệ các lợi ích nghề nghiệp của tổ chức. Nhà nước phải tránh việc can thiệp vào hoạt động của Công đoàn. Bất cứ điều khoản nào quy định quyền của cơ quan công quyền, ví dụ như quyền hạn chế các hoạt động và mục tiêu mà Công đoàn theo đuổi nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các đoàn viên của họ bị coi là trái với các nguyên tắc tự do hiệp hội.

(31) Tổng tập của Ủy ban về Tự do hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 497: Các tổ chức Công đoàn phải giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực nghề nghiệp và Công đoàn.

(32) Nghị quyết phiên họp lần thứ 35 của Hội nghị Lao động Quốc tế năm 1952: Sứ mệnh cốt lõi và thường trực của phong trào công đoàn là thúc đẩy quyền lợi về kinh tế và xã hội của người lao động. Trên cơ sở phù hợp với luật pháp và thực tiễn của từng quốc gia, theo quyết định của các đoàn viên, tổ chức Công đoàn quyết định thiết lập mối quan hệ với đảng chính trị hoặc quyết định tiến hành các hoạt động mang tính chính trị phù hợp với hiến pháp như là những phương thức để thúc đẩy các các mục tiêu về kinh tế, xã hội. Các mối quan hệ và hoạt động mang tính chính trị này không được có bản chất làm ảnh hưởng hay tổn hại đến sự tiếp tục tồn tại cũng như chức năng kinh tế, xã hội của phong trào công đoàn cho dù có những thay đổi về chính chị của quốc gia.

(33) Tổng tập của Ủy ban về Tự do Hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 499, 500, 506: Nhà nước không được tìm cách để chuyển hóa phong trào công đoàn thành công cụ cho việc theo đuổi các mục đích chính trị, và cũng không được tìm cách can thiệp vào các nhiệm vụ, chức năng bình thường của phong trào công đoàn vì Công đoàn tự do trong việc thiết lập quan hệ với đảng chính trị. Các quy định pháp luật cấm các hoạt động chính trị của tổ chức Công đoàn trong việc thúc đẩy các mục tiêu cụ thể của họ là trái với các nguyên tắc của tự do hiệp hội. Liên quan tới các quy định pháp luật theo đó “tổ chức công đoàn phải huy động và giáo dục người lao động, người làm công để họ tôn trọng kỷ luật lao động”, tổ chức Công đoàn “phải tổ chức người lao động và người làm công bằng việc tiến hành các phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa tại nơi làm việc” và “tổ chức công đoàn phải giáo dục người lao động, người làm công…. để tăng cường nhận thức lý tưởng”, Ủy ban Tự do Hiệp hội cho rằng các chức năng được giao cho tổ chức Công đoàn bởi những quy định này tất yếu dẫn đến hạn chế quyền thực hiện các hoạt động của tổ chức, và do dó trái với những nguyên tắc của tự do hiệp hội.

(34) Tổng tập của Ủy ban về Tự do Hiệp hội của ILO, năm 2006, đoạn 502: Tổ chức Công đoàn không được tham gia vào các hoạt động chính trị với cách thức lạm dụng, vượt ra ngoài chức năng thực sự của Công đoàn thông qua việc thúc đẩy các lợi ích chính trị thuần túy.

Bài: TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Đồ họa: Thu Chinh

Xem phiên bản di động