|
BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người được điều động về TP Chí Linh ngay sau khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên, đã phản bác lại những phát ngôn không chính xác về tình hình trong khu cách ly công nhân. “Tôi đang chống dịch ở Chí Linh đây. Không có chuyện trộn lẫn 2.200 công nhân trong khu cách ly. Họ cách ly từng phân xưởng vào từng tòa nhà. Phân xưởng cắt của Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nhất” – BS. Nguyễn Trung Cấp chia sẻ Nói về tình huống các công nhân phải di chuyển khu cách ly, BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết, giai đoạn đầu phải cách ly khẩn cấp hơn 6.000 công nhân, trong đó có 2.200 công nhân Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam trong vòng 4 tiếng đồng hồ nên chưa đủ chỗ, khiến mật độ đông. Sau đó, cơ quan chức năng nhanh chóng mở rộng ra 31 điểm cách ly và đã sàng lọc giải phóng một phần nên bắt đầu giãn cách tiếp số công nhân này. |
|
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, quá trình giãn cách là vận chuyển công nhân theo phòng, một phòng cũ chuyển ra 2 phòng mới. Mục đích là giải phóng sạch điểm cách ly nặng nhất là Trường Trung cấp Nghề Việt Nam - Canada để khử khuẩn toàn bộ, rồi lại dùng để sử dụng làm nơi cách ly nếu cần thiết. Do đó không có chuyện vận chuyển công nhân đi cách ly rồi lại làm trộn lẫn tiếp. Cho đến nay, có 11 phòng tại Trường Trung cấp Nghề Việt Nam - Canada, 4 phòng tại Trung tâm Dạy nghề Trường Đại học Sao Đỏ cơ sở 2 và 1 điểm cách ly 60 người xuất hiện nhiều ca dương tính nhất vẫn được quản lý chặt, và sẽ được vận chuyển ra một điểm cách ly riêng. Nếu có phát sinh tiếp ca dương tính thì khả năng cao sẽ chỉ ở nhóm này. |
|
“Chỉ tính riêng chuyện trong 1 đêm lo được 14.000 suất ăn cho cả người bị phong tỏa và người chống dịch, 6.000 bộ chăn gối, giường cho người bị cách ly trong điều kiện các cửa hàng đã nghỉ Tết cũng đã là điều quá sức tưởng tượng” – BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ. Theo BS Cấp, nguyên nhân dẫn đến xuất hiện một số ca lây nhiễm trong khu cách ly là do giai đoạn đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) quá tải nên quá trình xét nghiệm chậm. Đến nay, quá trình xét nghiệm tích cực hơn nên số ca phát hiện được sẽ tăng cao trong vài ngày tới rồi giảm dần. |
|
“Tôi đi chống dịch thật 17 năm nay, từ dịch SARS, H5N1, H1N1, Tả, Sởi, Bạch hầu và nay là Covid-19. Tôi không chống dịch bằng phát ngôn. Lúc nước sôi lửa bỏng, chúng tôi lao vào làm tất cả những gì mình có thể với điều kiện thiếu thốn khó khăn” – BS. Nguyễn Trung Cấp nói. Theo TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua – Khen thưởng (Bộ Y tế), hiện nay vấn đề kỳ thị đối với người mắc Covid-19 hay người từ vùng dịch đến/về đã xuất hiện và có xu hướng tăng lên. Điều này không có lợi cho công cuộc phòng chống dịch, vì nhiều người có các dấu hiệu ho, sốt hoặc tiếp xúc gần với các ca bệnh không dám khai báo y tế. |
|
Đối với bệnh tật, nhất là dịch bệnh như Covid-19 thì ai cũng có thể là người mắc, bởi vì bằng mắt không thể biết được ai là người mang mầm bệnh, ai là người không. Do vậy, ngành Y tế luôn khuyến cáo mọi người tuân thủ biện pháp 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ. “Nếu chúng ta tiếp tục kỳ thị, phân biệt đối xử với những người mắc bệnh Covid-19 hoặc những người đi/đến từ vùng dịch thì họ sẽ lo lắng, sợ hãi, sợ bị hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp xa lánh, tránh né. Điều đó dẫn đến hậu quả việc khai báo không trung thực, khai báo sơ sài, thiếu thông tin sẽ gây khó khăn cho công tác truy vết, điều tra dịch tễ học, sàng lọc đối tượng, khoanh vùng dập dịch" - ông Nguyễn Đình Anh khẳng định.
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |