e magazine
12/07/2023 19:37
Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

12/07/2023 19:37

“Sống gần 70 tuổi, nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi “mắt thấy, tai nghe” bác sĩ lấy uy tín cá nhân ra để xin được cấp cứu bệnh nhân”. Lời của bà Nguyễn Thị Ánh, ấp Bãi Ngự, Thổ Châu (TP Phú Quốc – Kiên Giang) khiến tôi thổn thức về người thầy thuốc “hơn cả mẹ hiền” đứng chân nơi cuối biển Tây của Tổ quốc.
Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu
Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

“Sau khi tiên lượng sức khoẻ của sản phụ sẽ nguy kịch nếu phải ngồi tàu 8 - 12 tiếng đồng hồ vào Phú Quốc sinh mổ, tôi quyết định thuyết phục gia đình để lại cho Bệnh xá Quân dân y xử lý” - Thiếu tá BS CKI Đinh Văn Sức, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 152 (Quân khu 9) nhớ lại ca mổ cấp cứu sản phụ Võ Thị Hồng Cẩm (ngụ Thổ Châu - Phú Quốc).

Lúc đó là 3 giờ ngày 10/8/2022, gia đình đưa chị Cẩm vào Trạm xá trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi đọc hồ sơ, thấy sản phụ có nhiều dấu hiệu bất ổn: thai mới 37 tuần nhưng lại vỡ ối, lại có tiền sử sinh mổ lần 1 được 22 tháng do chứng đờ tử cung, … Nói chung là cần phải sinh mổ gấp để đảm bảo tính mạng mẹ và con.

Tuy nhiên, lúc này gia đình, mà cụ thể là bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ ruột của sản phụ lại mong muốn đưa vào Phú Quốc. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng biết lý do chính yếu mà bà Ánh lo… “Chúng tôi biết, nhưng lương tâm và trách nhiệm của thầy thuốc đã giúp chúng tôi vượt qua tự ái đời thường. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu được sự nguy hiểm đang đe doạ tính mạng sản phụ và thai nhi nên không cho phép mình được bỏ cuộc” - BS Sức nhớ lại.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứuBS Sức thăm hỏi mẹ con chị Cẩm, sản phụ mà anh đã dùng uy tín quân nhân năn nỉ để được mổ cấp cứu.

Sau khi giải thích tính nguy kịch của sản phụ cần mổ gấp tại chỗ… mà vẫn chưa có dấu hiệu lay chuyển, BS Sức phải lấy uy tín quân nhân ra cam kết… Đến lúc này bà Ánh cùng gia đình mới … đồng ý. “Sống gần 70 tuổi, nhưng lần đầu tiên trong đời “mắt thấy tai nghe” bác sĩ năn nỉ để xin được cấp cứu bệnh nhân nên sắt đá cũng tan chảy, chứ huống chi lòng người mẹ…”- bà Ánh bộc bạch.

Và đây là một trong số hàng chục, hàng trăm trường hợp mà đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh xá đã thực hiện trong 10 năm qua. Gần đây là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Minh Khang (quê Châu Thành, An Giang). Theo tàu ra Thổ Châu đánh bắt hải sản, ngày 28/4/2023, anh Khang bị 4 người khác dùng dao Thái đâm 8 nhát vào vùng ngực và bụng, lòi phủ tạng, máu chảy nhiều khiến bệnh nhân bất tỉnh. Thấy vết thương quá nặng, nhiều ngư phủ trên tàu không dám tin anh Khang còn cơ hội sống, đưa anh đến Bệnh xá như “lấy lệ” trước khi chở về quê mai táng.

Tuy nhiên, khi nhận được thông tin, BS Sức đã bật chế độ “báo động đỏ”, huy động toàn bộ Bệnh xá để tổ chức hồi sức cấp cứu tối khẩn cấp và quyết định giữ bệnh nhân lại để điều trị. Lúc đó là 19 giờ 20 phút, bệnh nhân Khang nhập viện trong tình trạng sức khoẻ rất xấu: Có 2 nhát thấu phổi, xuyên qua cơ hoành thủng dạ dày vào sốc, mạch huyết áp không đo được. Sau hơn 2,5 giờ phẫu thuật, bệnh nhân dần hồi tỉnh trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

BS Sức cùng đồng nghiệp thực hiện ca phẫu thuật tại đảo Thổ Châu.

Thậm chí, nhiều trường hợp anh nài nỉ để được cấp cứu dù chưa thấy mặt bệnh nhân. Mới đây, là trường hợp bệnh nhân Võ Thanh Nam (sinh năm 1998, ở Tăng Thủy, Ba Tri, Bến Tre). Là ngư phủ theo tàu ra vùng biển Thổ Châu đánh cá, trong lúc gỡ lưới quấn vào chân vịt tàu khiến tàu đứng máy, thì chân vịt bất ngờ quay mạnh trở lại. Diễn biến quá bất ngờ, anh Nam không kịp trở tay. Kết quả là chân vịt tàu “chém” vào “phần mềm phía trước” gây dập niệu đạo, rách da bùi lộ tinh hoàn, bí đái dữ dội… Thấy tàu Cảnh sát Biển 5 gần đó, mọi người đưa anh Nam đến nhờ cấp cứu.

Qua kiểm tra, thấy vết thương quá nặng, bộ phận quân y điện thoại vào Bệnh xá thăm dò xem có đủ điều kiện cấp cứu… Vừa nghe xong, BS Sức đề nghị đưa vào Bệnh xá ngay lập tức. “Lúc đó tôi rất dứt khoát: Bệnh nhân đang ra nhiều máu lại bí tiểu dữ dội nếu để kéo dài sẽ vỡ bàng quang…, rất nguy hiểm đến tính mạng, hãy để chúng tôi sơ cứu trước…”- BS Sức nhớ lại.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu
Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

Chúng tôi hình dung BS Sức như “chiến binh” áo choàng trắng nơi cuối biển Tây. Bởi không chỉ bỏ công sức nài nỉ, thậm chí mang cả uy tín quân nhân ra cam kết để được cấp cứu bệnh nhân, anh còn “tả xung, hữu đột” giữa “biển khó” của sự bất cập về thiết bị để giành giật từng cơ hội sống cho người bệnh.

Do đặc thù của vùng tiền tiêu biển Tây của Tổ quốc, cách đất liền hơn 200 km nên Bệnh xá phải tiếp nhận mọi loại bệnh. Trong khi đó y cụ hỗ trợ thì loay hoay trong nghịch lý: “Cái cần thì chưa có, cái có thì chưa cần”. Thế nhưng, BS Sức vẫn chỉ huy và trực tiếp cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm mà ngay cả người nhà của bệnh nhân cũng “không dám tin dù đó là sự thật”. Bởi ở đó, không chỉ có nỗ lực, sự thành thục tay nghề… mà còn có những kỹ năng chưa hề có trong giáo trình y khoa.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

Một góc Bệnh xá Trung đoàn 152, nơi BS Sức cùng đồng nghiệp, đồng đội cấp cứu nhiều ca bệnh hiểm.

Sau khi thuyết phục gia đình cho phép tiếp nhận sản phụ Cẩm, thì bất ngờ toàn đảo Thổ Châu mất điện do máy phát (nhiệt điện) vào chu kỳ bảo trì. Thế là BS Sức phải phân thân: Vừa phải tổ chức ê –kíp phẫu thuật mà mình là mổ chính, vừa chỉ huy bộ phận vận hành máy phát điện nội bộ… “Nhìn các bác sĩ tất bật chuẩn bị máy phát điện, tôi lo và tự trách mình đã không cương quyết đưa con gái vô Phú Quốc”- bà Ánh nhớ lại - “Mãi hơn 1 giờ đồng hồ sau, nghe tin “mẹ tròn con vuông” tôi mới trút được gánh nặng và tin tưởng bác sĩ trên đảo”… Đây không chỉ là lời khen, mà còn như lời "đoạn tuyệt" với quá khứ đầy ám ảnh: Sống ở Thổ Châu chỉ sợ bệnh. Bởi với điều kiện đi lại khó khăn, trước đây ở Thổ Châu mỗi khi mắc bệnh nặng, coi như đối mặt với cái chết.

Tuy nhiên, để làm được sự thay đổi này, BS Sức đã phải làm nhiều điều “hiếm có, khó tìm”. Điển hình là sáng kiến “khắc chế” nạn thiếu nguồn máu hỗ trợ điều trị. Sau phẫu thuật, hầu hết các bệnh nhân, nhất là sản phụ mất nhiều máu… nhưng Bệnh xá không có máu dự phòng và cũng không được trang bị thiết bị xét nghiệm máu tầm soát các bệnh truyền nhiễm… nên không thể tiếp máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với kinh nghiệm sau nhiều năm bám đảo, BS Sức sáng tạo ra cách ứng phó. “Chúng tôi tiến hành ca phẫu thuật nhanh nhất có thể để bệnh nhân đỡ mất máu, đồng thời truyền bù dịch cao phân tử”.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

Nụ cười rạng rỡ của chị Luận khi gặp lại BS Sức.

Câu nói ngắn gọn của BS Sức gợi cho tôi cảm xúc về người thầy thuốc áo lính có “quyền năng” như “chiếc phao” cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm ở quần đảo nằm giữa đại dương mênh mông, giữ lại mạng sống gần như đã nằm trong tầm tay “thần chết”. Bởi ở đó, anh và các đồng đội phải chạy đua từng giây với thời gian, nhưng phải đảm bảo chính xác đến từng thao tác… để giành giật từng cơ hội sống cho người bệnh.

Chuyện mới nghe có vẻ khó tin với ngay cả người trong nghề làm việc trong các cơ sở y tế đất liền. Điển hình là lần phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân Huỳnh Văn Vũ (An Minh, Kiên Giang). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khoẻ nguy kịch do bị viêm ruột thừa giờ thứ 29, viêm phúc mạc. Ca mổ thành công đúng lúc đoàn chuyên gia đến làm việc. Phấn khởi, BS Sức thay mặt ê - kíp báo cáo như một cách chia sẻ… nhưng người nghe không khỏi hoài nghi, mà lý do cơ bản là… không ai nghĩ với thiết bị được ví như… thời “đồ đá” lại có thể làm được điều này. Thậm chí một thành viên còn nói toạc “móng heo”: Các cậu định “treo đầu dê, bán thịt chó” à?!”. Mãi đến khi thăm hỏi bệnh nhân và nghe người nhà kể lại toàn bộ câu chuyện, từ chỗ hoài nghi, đoàn công tác đã chuyển sang khen ngợi không tiếc lời.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứuThiếu tá BS CK1 Đinh Văn Sức, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 152 (Quân khu 9) khám bệnh cho chiến sĩ trong đơn vị.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

Tính đến 2023, BS Sức đã có 25 năm gắn bó với biển Tây như duyên tiền định. Tháng 2/1998, chàng trai sinh năm 1977 của đất Hà Nam đi nghĩa vụ quân sự tại Vùng 5 Hải quân. Những ngày đóng quân ở Phú Quốc (Kiên Giang) tận mắt thấy cảnh nhiều ngư phủ, người ở các đảo vất vả khi lâm bệnh do thiếu thầy thuốc…, anh lính Đinh Văn Sức nuôi tâm nguyện học làm thầy thuốc để giúp người dân và hạ quyết tâm thực hiện... Được chỉ huy đơn vị hỗ trợ, năm sau đó, anh Sức dấn thân vào nghiệp y tế.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y, anh được điều động về công tác tại Ban ngoại, Đội Điều trị 78, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đóng tại đảo Phú Quốc (Phú Quốc - Kiên Giang). Bằng việc vận dụng kiến thức đã tích lũy trên giảng đường, kết hợp tinh thần ham học hỏi kinh nghiệm, tay nghề từ người đi trước và cập nhật thường xuyên kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu… BS Sức đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về điều kiện thiếu thốn ở vùng biển đảo để sớm trở thành thầy thuốc “mát tay” của đơn vị.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứuThiếu tá, BS CK1 Đinh Văn Sức đang làm việc tại Bệnh xá Trung đoàn 152.

Đầu năm 2013, anh được điều động ra đảo Thổ Châu làm Trưởng Bệnh xá Quân dân y. Suốt 10 năm qua, BS Sức luôn được người dân trên đảo tin tưởng, yêu mến. Bởi không chỉ mát tay trong điều trị, anh còn dành cho người bệnh cả tấm lòng hơn cả “từ mẫu”.

Chị Nguyễn Thị Luận, ngụ ấp Bãi Ngự (xã Thổ Châu) chia sẻ: “BS Sức đã cứu tôi đến 2 mạng sống”. Sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa cấp trong tình trạng đã vỡ…, thấy chị chần chừ chưa chịu xuất viện, BS Sức chủ động hỏi và khi biết lý do là gia đình chưa có tiền thanh toán viện phí. Biết gia cảnh chị Luận chật vật vì toàn bộ thu nhập chỉ trông vào nghề làm hồ của vợ chồng…, BS Sức đã mạnh dạn ký bảo lãnh cho trả chậm, kèm lời động viên: “Chị yên tâm về dưỡng bệnh, khi nào lao động trở lại, chị gửi sau”. Tuy nhiên, sau đó, thấy gia cảnh chị vẫn chưa hết khó khăn, BS Sức đã làm đề nghị Thủ trưởng đơn vị đưa vào diện gia đình khó khăn để hỗ trợ, xóa nợ.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

BS Sức tại Bệnh xá Trung đoàn 152.

Bỏ nhiều thời giờ, công sức năn nỉ, thuyết phục để được cấp cứu bệnh hiểm, rồi sẵn sàng mang cả uy tín của mình ra bảo lãnh cho bệnh nhân nghèo… thế nhưng ngay cả khi được hỏi về điều ước, BS Sức cũng khiến cho tôi không khỏi bất ngờ. Khi đặt câu hỏi: Nếu có điều ước, anh ước gì, tôi đinh ninh anh sẽ nói muốn được về công tác gần vợ con, cha mẹ, nhưng không, một lần nữa, anh nghiêng hết về cho người dân. “Tôi mong cho toàn người dân trên đảo được quan tâm để giảm bớt thiệt thòi về y tế”- BS Sức tràn đầy xúc cảm…

Theo BS Sức, thời gian qua, người dân trên đảo Thổ Châu còn quá nhiều thiệt thòi. Sống trên đảo, nhưng chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đặc thù biển đảo. Vì thế không được biên chế giường bệnh và lưu bệnh, không được hưởng thuốc tiêm, dịch truyền, và dịch vụ y tế, như: siêu âm, phẫu thật, đẻ…. Bởi lý do rất đơn giản là không đúng tuyến theo quy định. Trong khi đó, để khám đúng tuyến, phải vào Phú Quốc. Nhưng phải đợi 5 ngày mới có chuyến tàu. Khi đó bệnh đã nặng thêm. Nếu tự thuê tàu cá đi thì mất 8 -15 triệu đồng, số tiền không phải ai cũng đủ lo.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứuBS Sức thăm hỏi mẹ con chị Cẩm, sản phụ anh đã dùng uy tín quân nhân năn nỉ để được mổ cấp cứu.

“Tôi mong một ngày sớm nhất người dân nơi đây được hưởng chế độ đặc thù để giảm bớt nỗi lo nỗi khi bệnh tật, yên tâm bám biển đảo, góp phần giữ chủ quyền biển đảo biên giới quốc gia”. Đó không chỉ là tâm huyết vì người dân đảo xa, mà còn gợi mở cho các thầy thuốc trẻ nhiều bài học về thực hiện tinh thần Hippocrates trong điều kiện Việt Nam.

“Chúng tôi rất tự hào về BS Sức. Không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có “tấm lòng vàng” với người bệnh. Điều này không chỉ tô thắm thêm truyền thống thầy thuốc “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn góp phần làm cho người dân an tâm bám đảo, cùng với các lực lượng tạo dựng thế trận lòng dân bảo vệ, gìn giữ vùng biển tiền tiêu biển Tây của Tổ quốc”. Xin mượn lời Trung tá Đỗ Xuân Hương, Phó Chính ủy Trung đoàn 152 để kết thúc bài viết như sự khẳng định về người thầy thuốc áo lính đã sống và làm theo di nguyện của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Bác sĩ “năn nỉ” bệnh nhân để được… cấp cứu

Cột mốc đường cơ sở A1 trên Hòn Nhạn, trong quần đảo Thổ Châu.

Bài và ảnh: THANH MAI

Đồ họa: AN NHIÊN

Video: NGUYỄN TRỤ, NGUYỄN HẰNG, TRẦN YẾN

Xem phiên bản di động