Chị Trần Thị Mỹ Ngọc, năm nay 43 tuổi, là nữ công nhân may trước khi thành doanh nhân, thuyền trưởng của con tàu mang tên Đại Song Tiến. Trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp ngành May công nghiệp “rơi rụng” do cơn bão của suy thoái kinh tế toàn cầu thì Đại Song Tiến là trường hợp khá hiếm hiện còn trụ lại. Trụ sở và cũng là xưởng may của Đại Song Tiến nằm bên con đường liên thôn giữa cánh đồng thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Kể từ khi thành lập năm 2019 đến nay, đội ngũ công nhân lúc nào cũng được duy trì con số 50 người trong công xưởng. Bên trong nhà xưởng trên diện tích đất gần 600m2, những âm thanh quen thuộc của dàn máy may công nghiệp chạy liên tục. Nó cũng như những gam màu sáng giữa bức tranh kinh tế buồn, u ám khiến bao doanh nghiệp đóng cửa, người lao động tứ tán mưu sinh... |
Chị Trần Thị Mỹ Ngọc luôn ân cần chỉ bảo chuyên môn, nâng cao tay nghề cho công nhân của Công ty Đại Song Tiến. |
Nữ doanh nhân Trần Thị Mỹ Ngọc có gương mặt thân thiện, giản dị, phảng phất nét từng trải thường nở nụ cười tươi. Minh Kha, một người bạn của tôi hiện đang là cán bộ ở huyện Triệu Phong trong một cuộc nói chuyện về gia đình, công việc, quê hương xóm làng của mình, Kha đã vô tình “tiết lộ” câu chuyện về Mỹ Ngọc – “niềm tự hào của quê hương” như chữ dùng của Kha. Thế là chúng tôi có mặt trong công xưởng may Đại Song Tiến ngập tràn âm thanh vui nhộn ấy. “Sau một thời gian vất vả, đến bây chừ mình có thì có thể tự tin là vẫn còn sống. Công ty vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập cho 50 chị em công nhân quê hương Triệu Phong của mình. Dù chưa tăng nhưng quyết không giảm”, chị Ngọc bắt đầu câu chuyện về xưởng may của mình. Mỹ Ngọc là con đầu và là trưởng nữ duy nhất trong gia đình nông dân 5 chị em ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Sau khi học hết lớp 12, khi chưa đầy 20 tuổi, cô thôn nữ này rời quê hương vào TP. HCM làm công nhân may. Vai trò “thuyền trưởng” dường như định hình cho Mỹ Ngọc khi chào đời. Chị vừa làm việc vừa phụ giúp ba mẹ, động viên đàn em 4 người con trai ăn học, để rồi bây giờ các em đã được học hành tử tế, khôn lớn và đã có công ăn việc làm ổn định. 50 công nhân làm việc tại Công ty Đại Song Tiến phần lớn là nữ và gắn bó với công ty từ khi hoạt động đến nay đã gần 5 năm. Sau khoảng 14 năm làm công nhân may, bôn ba đất khách, Mỹ Ngọc lập gia đình và trở về quê làm công nhân may, sống cùng chồng con ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Sau gần 10 năm gắn bó với Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà, Mỹ Ngọc xin nghỉ việc để xây dựng lối đi riêng cho mình. Chị dốc hết vốn liếng và vay mượn tiền để đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị ngành May; thuê đất, chuẩn bị mặt bằng công xưởng và rồi tuyển thợ để xây dựng Công ty Đại Song Tiến. Đồng hành, sáng lập công ty với chị Ngọc còn có một người khác, cả hai cùng “song tiến”. Năm 2019 công ty chính thức hoạt động, không lâu sau đó thì “bão” Covid-19 ập đến. Rồi trận “đại hồng thủy” cùng những đận thiên tai dị thường năm 2020 tàn phá nặng nề ở một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị cũng đã làm cho Đại Song Tiến thiệt hại nghiêm trọng. Công xưởng mới mở còn thơm mùi dầu máy, đất đai quê nhà của Đại Song Tiến bị nước lũ bất ngờ nhấn chìm, máy móc hư hỏng, chất chồng thành những đống phế liệu... Công nhân làm việc tại Công ty Đại Song Tiến luôn có cảm giác yên tâm khi nhận được sự quan tâm, chăm lo từ tổ chức Công đoàn và chủ doanh nghiệp. Sau thiên tai, dịch bệnh, khốn khó bủa vây, người bạn đồng hành với chị Mỹ Ngọc lập công ty cũng rút lui. Con thuyền Đại Song Tiến chỉ còn mỗi Mỹ Ngọc cầm lái. Chị Ngọc hiểu lúc này chỉ cần buông tay, cả chiếc thuyền bị nhấn chìm và xóa tên vĩnh viễn. Thứ còn lại, có chăng là những khoản nợ chất chồng mà chị Ngọc đã trót đầu tư... Trong lúc gian nan ấy, người chồng chị Ngọc quyết định “gác bay”, bỏ việc nghề thợ kép (thi công các công trình xây dựng) để về sát cánh bên vợ, chia sẻ gánh nặng và chung tay chèo lái con thuyền tiếp tục tiến lên phía trước. Cuốn “sổ đỏ” mảnh đất của gia đình được anh mang tới ngân hàng để lấy về gần 600 triệu đồng và “đứng chân” cho những khoản vay tiêu dùng với lãi suất không ưu đãi, đã tiếp thêm nguồn lực tài chính giúp Đại Song Tiến sắm lại máy móc, thiết bị, tái thiết sửa chữa nhà xưởng để tiếp tục hoạt động. |
Chị Trần Thị Mỹ Ngọc - "Nữ thuyền trưởng" của Công ty Đại Song Tiến. |
Về chuyên môn, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành May, trong đó có rất nhiều năm làm quản lý trong vai trò tổ trưởng chuyền may ở một số thương hiệu may mặc lớn từ TP. HCM ra đến Đông Hà, đã giúp chị Trần Thị Mỹ Ngọc đủ bản lĩnh, sáng tạo để củng cố vững chắc các đơn hàng, hợp đồng với đối tác; vận hành công ty thuận lợi. Nguồn sản phẩm từ Công ty Đại Song Tiến vẫn trả đơn và xuất khẩu đều đặn sang Đài Loan, châu Âu, mang lại nguồn thu đáng kể, đảm bảo thu nhập đều đặn, ổn định cho 50 công nhân, trong đó đại đa số là lao động nữ. Số công nhân này chưa bao giờ giảm, dẫu có lúc Đại Song Tiến rơi vào khó khăn chất chồng bởi những hoàn cảnh khách quan như vừa kể. Đặc biệt, chế độ phúc lợi, tiền lương, bảo hiểm xã hội với người lao động luôn đảm bảo. “Trong 4 năm qua, từ khi hoạt động đến nay, chị Ngọc cũng như Công ty Đại Song Tiến chưa bao giờ trả chậm tiền lương dù chỉ 1 ngày, dẫu có lúc công ty gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và do tình hình kinh tế khó khăn chung. Có lúc thu nhập của công nhân có giảm, nhưng cũng nhanh chóng qua đi và quan trọng là không ai rời đi. Trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo công ty cũng là sợi dây gắn chặt tình cảm của người lao động với công ty, của người lao động với công đoàn công ty”, chị Lê Thị Thanh Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Song Tiến, chia sẻ. |
Chị Lê Thị Thanh Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Song Tiến (ảnh phải) trao đổi công việc cùng chị Nguyễn Thị Mỹ, một nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong công ty. |
Có một doanh nhân từng tâm sự với chúng tôi rằng thế giới đang trải qua thời kỳ rất khó khăn vì tình trạng suy thoái kinh tế, giới doanh nhân Việt Nam cũng nằm trong “vòng xoáy” ấy. Nếu doanh nhân nào lèo lái con thuyền đi ngược nước mà vững tay lái, dù đi chậm nhưng vững chắc, không bị đắm, không tụt lùi và đưa mọi người trên tàu an toàn cập bờ, họ đều là những anh hùng. Với nữ công nhân, doanh nhân Trần Thị Mỹ Ngọc cũng như tập thể Công ty Đại Song Tiến, có lẽ là trường hợp như vậy. Bữa cơm trưa công nhân trong công xưởng Đại Song Tiến. Chị Ngọc nói công ty chị không lớn nhưng 50 công nhân là 50 gia đình - 50 hoàn cảnh - 50 thân phận. Mức thu nhập trung bình của công nhân nơi đây từ 6 – 7 triệu đồng, hoặc cao hơn tùy vào năng suất làm việc. Vì vậy đảm bảo công việc và thu nhập đều đặn cho họ là trăn trở hằng ngày của người quản lý, điều hành như chị. “Mình luôn nỗ lực để đảm bảo công ty luôn nằm trong giới hạn của sự an toàn. Các đơn hàng, hợp đồng làm sao đó để vận hành quanh năm. Mình có thể mở rộng quy mô, tuyển thêm lao động, nhưng nếu không an toàn thì mình không làm. Mình luôn tạo sự an tâm, niềm tin cho anh chị em công nhân bởi bên họ là cả gia đình, con cái học hành...”, chị Ngọc chia sẻ thêm. |
Có một cách làm việc linh hoạt ở Công ty Đại Song Tiến khiến nhiều công nhân ở đây luôn hài lòng là khung giờ làm việc luôn “mềm” và công ty luôn mở cửa để công nhân có thể vào ra làm tăng thêm, nếu muốn. Nếu bữa ăn trưa luôn được công ty chuẩn bị kỹ, có đầu bếp đi chợ, nấu ăn phục vụ bữa ăn hằng ngày thì chị em công nhân có thể đón con đi học về, hoặc đón con ở nhà tới công ty cùng ăn cơm với mẹ để tiện cho việc tới trường, học tập. Công ty Đại Song Tiến như mái nhà thứ hai của công nhân. Chưa đầy một năm sau khi thành lập công ty, tổ chức Công đoàn cũng được thành lập với 100% công nhân đều được kết nạp làm đoàn viên công đoàn. Chị em công nhân luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau vươn lên nếu không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Như chị Nguyễn Thị Thủy, 40 tuổi, một nữ công nhân chồng mất vì bệnh hiểm nghèo, một mình nuôi hai con ăn học giỏi giang, luôn nhận được sự quan tâm động viên của Liên đoàn Lao động huyện Triệu Phong lẫn Công đoàn Công ty Đại Song Tiến. “Mình làm việc ở đây thu nhập cũng rất ổn, gần nhà, tiện chăm lo cho con cái học hành. Khi cần cũng có thể làm thêm việc ruộng vườn. Công đoàn cũng như lãnh đạo công ty và tập thể chị em công nhân quan tâm giúp đỡ mình cả về tình cảm lẫn vật chất, nên có thêm động lực sống”, chị Thủy tâm sự. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ, 29 tuổi, chồng làm ăn xa, một mình thuê nhà trọ chăm nuôi 3 người con ăn học (hiện đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ mẫu giáo) xúc động kể thêm: “Công đoàn và chị Ngọc - Giám đốc luôn dành tình cảm và sự quan tâm, ân cần với mẹ con em nên em cũng thấy rất an ủi. Mỗi dịp lễ, Tết, công đoàn thường chia sẻ, tặng quà động viên, thăm hỏi rất tình cảm. Đây cũng là lý do mà em đã gắn bó với công ty hơn 3 năm nay rồi”. |
Chị Trần Thị Mỹ Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Đại Song Tiến (thứ 2, từ trái sang) tặng quà cho công nhân, người lao động công ty dịp đầu năm 2023. |
Bên cạnh sự chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho công nhân, người lao động của công ty và công đoàn, sự gần gũi của chị Ngọc cũng là lý do giúp công nhân lựa chọn Đại Song Tiến như ngôi nhà thứ hai. Trừ những khoảng thời gian ra ngoài công tác, đối ngoại, khi trở về công xưởng chị Ngọc vẫn là nữ công nhân may lành nghề, nhiều lúc cũng ngồi vào máy, tận tình chỉ bảo thêm cho chị em trong chuyên môn. “Hiện giờ thì mình có thể tự tin và yên tâm khi những khó khăn đã đi qua. Đơn hàng, hợp đồng công ty có thể duy trì mỗi năm ít nhất 8 – 9 tháng, việc làm, thu nhập và đời sống anh chị em công nhân cũng sẽ đảm bảo. Mình rất mong chính quyền, các ngành, các cấp tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, mặt bằng, xử lý vệ sinh môi trường để giúp công ty phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, điều kiện thu nhập người lao động tốt hơn nữa”, chị Ngọc bộc bạch.
|
Thực hiện: SƠN TOÀN Ảnh/video: SƠN TOÀN Đồ họa: AN NHIÊN |