06:35 | 29/07/2023 Ngọc Tâm
|
Những lợi thế của SM Bike
Mới đây, Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh (GSM) thông báo kế hoạch tuyển dụng nhân sự ở Hà Nội để mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực “xe ôm” điện với thương hiệu SM Bike. Theo đó, 400 nhân sự chính thức đầu tiên của SM Bike tại Hà Nội được hứa hẹn thu nhập có thể lên tới 18 triệu đồng/tháng cùng chiết khấu chạy xe 15,5%. Tài xế không cần sở hữu xe riêng mà sẽ được trang bị xe máy điện VinFast trị giá 50 triệu đồng - giúp giảm gánh nặng đầu tư ban đầu cho người lao động.
![]() |
SM Bike sẽ được trang bị xe máy điện VinFast trị giá 50 triệu đồng. Ảnh: TL |
Tương tự mô hình tăng trưởng của taxi điện GSM, SM Bike sẽ được phát triển từng bước theo khu vực địa lý, mở rộng ra các tỉnh thành sau khi triển khai thành công ở những “cứ điểm” đầu tiên như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, …
Với những thành công đã có với taxi điện Xanh SM, GSM cũng được kỳ vọng và tin tưởng nhanh chóng tạo ra thế lực mới trong lĩnh vực “xe ôm” điện, tạo ra số lượng việc làm khổng lồ ở khắp cả nước, nhờ lựa chọn định hướng đúng đắn, khả năng quản trị, sức mạnh tài chính và sự hậu thuẫn từ các “công ty mẹ” là Vingroup, VinFast…
Khi gia nhập thị trường dịch vụ xe máy công nghệ, SM Bike cũng sở hữu những lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ. Đầu tiên, chi phí nhiên liệu cho xe máy điện giảm tới 50% so với xe động cơ đốt trong. Điều này giúp thu nhập của tài xế cao hơn, công ty quản lý có thêm kinh phí tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Tiếp theo, xe máy điện vận hành êm ái, không tạo ra tiếng ồn, khói, mùi xăng dầu…
![]() |
“Xe ôm” điện SM Bike hứa hẹn đem đến dịch vụ chất lượng cao hơn cho người dùng. Ảnh: TL |
Nhờ đội ngũ tài xế được đào tạo bởi GSM, “xe ôm” điện SM Bike hứa hẹn đem đến dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng. Với giá tốt nhờ chi phí vận hành xe điện thấp, chất lượng dịch vụ cao, SM Bike dự kiến thu hút lượng khách khổng lồ từ đó tăng trưởng nhanh sau khi ra mắt từ tháng 8.
Tạo ra 20.000 việc làm và quan tâm chính sách an sinh cho người lao động
CEO GSM Nguyễn Văn Thanh kỳ vọng khi SM Bike “trưởng thành”, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước, đạt được quy mô lý tưởng, số lượng nhân sự “xe ôm” điện có thể lên tới 20.000 người, giúp giải bài toán việc làm cho người lao động. Liệu đây có phải con số quá kỳ vọng của CEO GSM?
Ông Thanh phân tích lĩnh vực gọi xe công nghệ không còn xa lạ với đời sống hiện đại, quy mô lĩnh vực này tại Việt Nam hiện ước tính đạt 3 tỷ USD vào năm 2022 và lên đến 5 tỷ USD vào năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng kép là 21%. Trong khi đó, thị trường này đang chưa có nhiều thay đổi trong 5 năm qua. CEO GSM đánh giá 5 năm là khoảng thời gian đủ dài để một lĩnh vực có sự thay đổi lớn, khách hàng sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Đây chính là cơ hội cho SM Bike, thâm nhập và trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi”.
![]() |
SM Bike sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn người. Ảnh: TL |
Thực tế, Grab gia nhập thị trường gọi xe công nghệ từ 2014. Sau 9 năm, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… trở thành dịch vụ không thể thiếu với người dân ở các thành phố lớn. Hiện tại, thị phần được định hình chủ yếu bởi các "tay chơi" lớn như Grab, Be, Gojek, Ahamove.
Chưa có thống kê chính thức về số lượng tài xế chạy cho Grab, Be, Gojek, Ahamove ở Việt Nam. Tuy vậy, Grab, Gojek từng tuyên bố 200.000 tài xế hợp tác chạy xe cho mỗi hãng (gồm cả xe máy, ô tô), trong khi Be cũng thông tin đạt khoảng 100.000 đối tác tài xế trên cả nước. Các con số này mang tính tham khảo bởi số lượng đối tác tài xế của các ứng dụng gọi xe này thường biến động rất nhanh và mạnh, tuỳ thuộc nhiều yếu tố.
![]() |
Từ năm 2014 xe công nghệ trở thành dịch vụ không thể thiếu với người dân. Ảnh: TL |
Quan hệ giữa tài xế và Grab, Be, Gojek, Ahamove là đối tác kinh doanh, không có hợp đồng lao động. Hàng trăm nghìn tài xế này hầu như không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong khi đây là nghề nguy hiểm, thường xuyên đối diện rủi ro trên đường. Trong khi đó, tài xế của SM Bike được công ty ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức. Đây cũng là điểm cộng giúp SM Bike thu hút người lao động, thể hiện chủ trương quan tâm đến chính sách an sinh cho người lao động.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cuối năm 2021, khoảng 200.000 tài xế công nghệ (gồm cả xe máy, ô tô) đang làm việc có tính chất thường xuyên (thời gian từ 3 tháng liên tục) trong cả nước. Như vậy, mục tiêu nhân sự của SM Bike 20.000 người, bằng khoảng 10% tổng lao động tài xế công nghệ làm việc có tính chất thường xuyên ở Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://laodongcongdoan.vn/hang-chuc-nghin-co-hoi-viec-lam-khi-vinfast-ra-mat-xe-om-dien-98447.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Tạp chí điện tử Laodongcongdoan.vn", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.