Cơ chế đặc thù và kỳ vọng đột phá

PHẠM XUÂN DŨNG

Ngày 24/6 sắp tới Quốc hội nước ta sẽ tiến hành bấm nút việc có thông qua hay không một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM, thành phố lớn hàng đầu cả nước, là một trung tâm kinh tế, động lực quan trọng bậc nhất, có ảnh hưởng đến cả nước. Vì sao cần phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế thí điểm cho TP.HCM?

Bởi vì qua quá trình phát triển, một số cơ chế chính sách chẳng hạn như về tài chính, đầu tư, phân cấp quản lý, không còn phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố, đặt ra yêu cầu cần thay đổi; vì "chiếc áo cơ chế" đã cho thấy gò bó, chật hẹp với vóc dáng của đô thị đầu tàu này. Việc thay đổi là nhu cầu khách quan.

Vậy nghiên cứu, tìm tòi cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển đúng hướng và tăng tốc cần được nhìn nhận như lưu ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

"Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của Thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới".

Dự thảo Nghị quyết thí điểm lần này gồm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM; tổ chức bộ máy TP Thủ Đức; ... tất cả đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Tuy nhiên đổi mới cơ chế chính sách đặc thù phải chú trọng hai vấn đề mấu chốt: một là phải dựa vào cơ sở thể chế chính trị và căn cứ pháp lý mà quyết định, mang tính khoa học thuyết phục cao và gắn liền với thể chế hóa trong quá trình thực hiện một cách tối ưu và khả thi; cơ chế đột phá phải đi đôi với năng lực thực hiện, kiểm soát và minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để thao túng chính sách; hai là: phân công, phân cấp, phân quyền và trách nhiệm cụ thể, bảo đảm cho người có năng lực thực thi nhiệm vụ, phát huy sở trường, đồng thời cũng tạo được cơ chế bảo vệ được những người tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cơ chế đặc thù phù hợp, kịp thời là rất cần thiết để kỳ vọng tạo nên sự vượt trội, đột phá. Nhưng cũng cần thấy rằng, đó mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là nhất thiết phải có bộ máy thực hiện tương xứng. Chỉ như vậy mới có thể thành công, kỳ vọng đổi thay sẽ thành hiện thực, còn không thì ngược lại.

Tóm lại, muốn thành công thì khi và chỉ khi chính sách mới cần đi liền với cơ chế nhân sự đủ năng lực, trách nhiệm và cả quyền hạn thực thi nhiệm vụ. Đó là kinh nghiệm thực tiễn không chỉ riêng với TP.HCM mà còn chung cho nhiều nơi khác cũng với cơ chế đặc thù và cũng chính xác cho cả cơ chế phổ quát. Bởi cơ chế ưu việt chỉ được hiện thực hóa với bộ máy nhân sự tương thích, với những con người ưu tú và tận tâm mà thôi.

Thêm một cơ hội nữa cho TP.HCM và cũng cho cả nước.

PHẠM XUÂN DŨNG

Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả Phạm Xuân Dũng một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR.

“Buy me a coffee”

Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Phạm Xuân Dũng bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội.

Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Phạm Xuân Dũng".

Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD).

Bản quyền thuộc về "Tạp chí điện tử Laodongcongdoan.vn", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.