e magazine
25/05/2024 10:02
Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

25/05/2024 10:02

Với mong muốn giúp ngư dân Quảng Trị tăng năng suất, giảm sức lao động, đồng thời bảo vệ tốt chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, anh Lê Đức Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới mẻ, thiết thực, hiệu quả. Vì thế, anh được người dân miền biển thường gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến là “cây sáng kiến” của ngư dân.
Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Anh Lê Đức Thắng vốn có niềm đam mê với việc học hỏi và sáng tạo. Thế nên cách đây gần 20 năm về trước, khi chứng kiến cảnh ngư dân vất vả trong đánh bắt thủy sản trên biển do công nghệ khai thác còn lạc hậu, thiết bị đánh bắt còn mang tính thủ công, chàng cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp ngành Khai thác Hàng hải, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang khi ấy đã sớm trăn trở, mong muốn tìm cách giúp người dân miền biển Quảng Trị khắc phục khó khăn.

“Nghiên cứu, cải tiến để xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng nghề lưới rê hỗn hợp trên tàu cá xa bờ tỉnh Quảng Trị nhằm khai thác cá thu, ngừ có giá trị kinh tế cao” là sáng kiến đầu tiên của anh, ra đời chỉ 1 năm sau khi anh về công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị.

Sáng kiến này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân vùng biển Quảng Trị mà sau này còn được nhân rộng, phát triển và trở thành nghề khai thác thủy sản chủ lực trong khai thác hải sản ở tỉnh ta, nhất là đối với khối tàu cá xa bờ; được các tỉnh lân cận đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

“Có điều kiện học tập và đi thực nghiệm tại nhiều địa phương có thế mạnh kinh tế biển, tôi nhận ra nghề khai thác, đánh bắt thủy sản của tỉnh ta vẫn còn tương đối thô sơ, lạc hậu. Năm 2006, nắm bắt được những lợi ích vượt trội của nghề lưới rê hỗn hợp có sử dụng hệ thống tời thủy lực đang cực kỳ phát triển tại tỉnh Nam Định, tôi đã xin phép lãnh đạo đơn vị ra đó học tập, nghiên cứu hệ thống tời thủy lực để quay về chuyển giao công nghệ giúp người dân quê mình”, anh Thắng nhớ lại.

Được biết, dựa trên thiết kế của mẫu lưới rê truyền thống, anh và các cộng sự đã cải tiến, thiết kế mẫu lưới rê hỗn hợp, ứng dụng hệ thống tời thủy trong quá trình thu lưới đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn so với ngư lưới cụ mà ngư dân đang sử dụng thời điểm bấy giờ.

Nghề lưới rê hỗn hợp khai thác được quanh năm trừ những ngày biển động mạnh, với đối tượng khai thác chính là cá thu, cá ngừ. Sau khi thiết kế, lưới rê hỗn hợp độ bền cao, chiều dài, chiều cao nghề lưới rê hỗn hợp cao hơn, độ thô chỉ lưới lớn hơn, kích thước mắt lưới to hơn so với nghề lưới rê truyền thống.

Bên cạnh đó, ứng dụng hệ thống tời thủy lực đã giúp giảm cường độ lao động trên tàu, số lượng lao động giảm, giảm thời gian thu lưới, sản lượng, chất lượng thủy sản sau khai thác tốt hơn hẳn.

Đặc biệt, nghề khai thác bằng lưới rê hỗn hợp có tính chọn lọc cao, ít ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Với anh Thắng, sáng tạo không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm.

Năm 2008, người đoàn viên công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn này lại sáng tạo thêm một ý tưởng hữu ích khác là chuyển giao, ứng dụng máy dò ngang vào hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên các tàu cá nghề lưới vây kết hợp ánh sáng trên tàu cá xa bờ tỉnh Quảng Trị.

Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm sáng tạo của mình, anh Thắng cho biết, Quảng Trị là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước chuyển giao, ứng dụng máy dò ngang 3600 thời đó.

Máy hoạt động theo nguyên lý phát sóng siêu âm xuống biển để phát hiện đàn cá xung quanh tàu với cự li bán kính lên tới 1.000m.

Qua kết hợp với các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc, giúp cho thuyền trưởng có thể vừa quan sát từng vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của đàn cá…

Đồng thời, máy cũng có chức năng bám đàn, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới, tăng xác suất bắt gặp đàn cá cao hơn nhiều so với máy dò đứng.

“Việc sử dụng máy dò ngang đã giúp cho chủ tàu tiết kiệm nhiên liệu; quan sát rõ địa hình và chất đáy; không để sót cá. Qua đó mang lại doanh thu hàng trăm tỉ đồng cho các chủ tàu cá trong mỗi lần đánh bắt. Đến nay, việc ứng dụng máy dò ngang trên tàu cá nghề lưới vây được nhân rộng trên tàu cá xa bờ”, anh Thắng bộc bạch.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Anh Thắng (ở giữa) trao đổi với chủ tàu về hệ thống tời thủy lực cải tiến trang bị trên tàu cá.

Không dừng lại ở đó, trong những năm tiếp theo, anh Thắng chủ động nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả máy thông tin liên lạc trên tàu cá xa bờ tỉnh Quảng Trị để thuyền trưởng nắm bắt thông tin chính xác về thời tiết, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, thông tin cứu hộ cứu nạn.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống giám sát hành trình tàu cá nhằm theo dõi, ngăn chặn tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, góp phần chống khai thác IUU của tỉnh; chủ động tìm tòi, hướng dẫn người dân ứng dụng thiết bị nhận dạng AIS để quản lý ngư cụ trên biển và chống va chạm hiệu quả...

Trong 20 năm công tác, với những sáng kiến của mình, anh Thắng không chỉ được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao, mà còn được người dân miền biển gọi với cái tên thân thương là “Cây sáng kiến” của ngư dân.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Anh Thắng (bên trái) kiểm tra hoạt động của hệ thống tời thủy lực .

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Cách đây không lâu, tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X (2022 – 2023), anh Thắng và các cộng sự tiếp tục gây ấn tượng với ban giám khảo thông qua đề tài dự thi có tính ứng dụng cao: “Giải pháp chuyển giao, ứng dụng công nghệ tời thủy lực cải tiến thu lưới rê tầng đáy cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Trị”.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài, anh Thắng cho hay, tất cả đều xuất phát từ những vấn đề trong thực tiễn. Theo đó, dù được xem là một trong những nghề chủ lực song đến nay, nghề lưới rê tầng đáy trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính chất thủ công và bán cơ giới.

Điều này khiến quá trình khai thác thủy sản của ngư dân trở nên khó khăn, mất nhiều sức lao động nhưng không đạt năng suất cao.

“Số lượng tàu cá vài năm trở lại đây có xu hướng tăng lên song quá trình đi thực tế, tôi nhận ra rằng có không ít tàu buộc phải nằm bờ vì không có đủ lao động để đi biển. Vì thế, câu hỏi “Cần làm gì để hiện đại hóa, cơ giới hóa trang thiết bị khai thác trên tàu cá nhằm giúp ngư dân tăng năng suất, vừa giảm sức lao động?” đã thôi thúc tôi phải đưa ra sáng kiến mới.

Đó là lý do để đề tài “Giải pháp chuyển giao, ứng dụng công nghệ tời thủy lực cải tiến thu lưới rê tầng đáy cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Trị” ra đời”, anh Thắng bộc bạch.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Những sáng kiến của anh Thắng được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân vùng biển Quảng Trị.

Theo mô tả, máy tời thu lưới rê tầng đáy có cấu tạo 5 bộ phận chính gồm bộ phận chấp hành, bộ phận dẫn động, bộ phận truyền động, bộ phận điều khiển và bộ phận phụ.

Nếu như trước đây sử dụng tời cơ ma sát để thu lưới có tốc độ chậm, khoảng 2,5 - 3 phút/cheo lưới và không thể thay đổi tốc độ theo ý muốn thì việc thu lưới rê tầng đáy bằng hệ thống tời thủy lực sẽ giúp tốc độ thu lưới nhanh hơn, thay đổi tốc độ thu lưới theo ý muốn, đặc biệt là giảm số lượng lao động 2 - 3 người.

Anh Thắng cho biết thêm, ưu điểm của thu lưới bằng tời thủy lực chính là tăng chất lượng hải sản, từ đó tăng hiệu quả kinh tế; giảm người làm nên thu nhập cho người lao động cũng tăng lên từ 15 - 20 %; đảm bảo an toàn cho đội tàu.

Qua đó từng bước hiện đại hóa đội tàu lưới rê tầng đáy nói riêng và thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác khai thác thủy sản.

“Tôi đã mất khoảng một thời gian dài tìm hiểu về nguyên lý, tìm người mạnh dạn đứng ra tiên phong áp dụng thiết bị trong khai thác thủy sản”, anh Thắng nói.

Được biết, khi áp dụng vào thực tế trên 2 tàu lưới rê tầng đáy là: Tàu QT-93647-TS và tàu QT-94619-TS (Cửa Việt), đều có chiều dài trên 15m, máy tời thủy lực nhận được phản hồi rất tích cực từ các chủ tàu, ngư dân.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Đề tài của anh Thắng (ngoài cùng bên phải) đã đạt được giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật
tỉnh Quảng Trị lần thứ X (2022 – 2023).

Là một trong những người đầu tiên thử nghiệm, ông Võ Văn Hùng, chủ tàu QT-94619-TS đánh giá rất cao về những tính năng mà máy tời thủy lực mang lại.

“Ngoại trừ nhược điểm nhỏ là giá thành khá cao và chưa có nhiều nơi sản xuất ra thì từ ngày có hệ thống thời thủy lực, tôi không còn phải lo lắng tìm kiếm lao động đi biển mỗi khi tàu thuyền chuẩn bị ra khơi. Hơn nữa, với việc thu lưới nhanh, tôi đã đầu tư thêm 50 cheo nhằm tăng thêm sản lượng. Anh Thắng thực sự là người rất nặng lòng với nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Những sáng kiến của anh nhiều năm qua luôn thực sự hữu ích, thiết thực, đã mang lại nguồn lợi lớn đội tàu lẫn ngư dân vùng biển chúng tôi”, ông Hùng nói.

Ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của một đoàn viên công đoàn, những năm qua, bên cạnh tích cực tham gia vào phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, anh Thắng cũng rất năng nổ tham gia vào các hoạt động, phong trào khác do công đoàn ngành phát động.

Với những nỗ lực trong gần 20 năm qua, anh nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen, Giấy khen.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Anh Thắng (bên trái) được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức
công đoàn vững mạnh năm 2023.

Nhận xét về người đoàn viên ưu tú của mình, đồng chí Nguyễn Phú Quốc - Chủ tịch Công đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Anh Thắng không chỉ là người có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm, nhất là trong công tác quản lý khai thác thuỷ sản và chống khai thác IUU; bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản... mà còn là đoàn viên công đoàn tích cực, năng nổ tham gia hoạt động, phong trào đoàn thể; thường xuyên có nhiều ý tưởng sáng tạo được các cấp có thẩm quyền đánh giá cao. Trong đơn vị, anh là tấm gương được nhiều đồng chí đoàn viên khác học tập theo”.

Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Thắng khẳng định rằng, sự sáng tạo trong lao động là rất cần thiết bởi nó không chỉ mang đến cảm hứng mới cho anh mà còn tạo ra giá trị, sự đổi thay tích cực trong cuộc sống của Nhân dân.

“Sáng tạo không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm. Để có được sáng kiến tốt, mình phải luôn tâm huyết với công việc; trăn trở, suy nghĩ từ thực tế sản xuất để tìm ra cái được và cái chưa được, rồi từ đó đưa ra những sáng kiến, cải tiến thiết thực nhất”, anh Thắng chia sẻ.

Video: chia sẻ của anh Lê Đức Thắng về những sáng kiến của mình.

Anh Lê Đức Thắng - “Cây sáng kiến” của ngư dân Quảng Trị

Bài viết: TRÚC PHƯƠNG

Ảnh: Đ.V.C.C - T.P

Đồ họa: THIÊN SƠN

Xem phiên bản di động