826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp được lắp đặt

Theo số liệu thống kê của các cấp công đoàn, cả nước có 826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại 372 doanh nghiệp. Có hơn 29.800 lao động nữ được thụ hưởng.

Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc là tạo điều kiện cho lao động nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ.

Chính phủ đã có nghị định, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 về chính sách đối với lao động nữ. Trong đó quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của NSDLĐ.

Nhưng thực tế triển khai quy định về lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc ở nhiều doanh nghiệp và địa phương còn nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến nhiều lao động nữ chưa được thụ hưởng chính sách này. Nhận thức của lao động nữ về nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc cũng có sự khác biệt.

Vẫn còn không ít người ngần ngại tham gia vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Một số lao động nữ phải gửi con về quê cho người thân chăm sóc, xa con nên không quan tâm đến hoạt động này.

826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp được lắp đặtBà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và bà Đỗ Hồng Vân - Phó Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: ThC

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức khảo sát thực trạng đời sống gia đình công nhân lao động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Nội dung khảo sát gồm: tình trạng hôn nhân, gia đình; cách nuôi dạy con cái, mức thu nhập; những bất cập, khó khăn của lao động nữ nhập cư và các chế độ, chính sách của lao động nữ tại doanh nghiệp...

Cuộc khảo sát được tiến hành với 1.000 công nhân lao động, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện công đoàn cơ sở tại 20 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh/thành phố. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy trên 98% người lao động (NLĐ) được hỏi cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được chi phí trung bình cho việc thiết lập một phòng vắt, trữ sữa ở khoảng 15 đến 20 triệu đồng.

826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp được lắp đặt

Đại diện Ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tham gia chương trình thảo luận về nuôi con bằng sữa mẹ tại doanh nghiệp. Ảnh: ST

Qua khảo sát, đa số công đoàn cơ sở đã đàm phán thành công với NSDLĐ hỗ trợ tiền gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi. Hỗ trợ tiền nhà ở cho công nhân ở xa, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ để đảm bảo sức khỏe và chức năng sinh sản. Nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt đầy đủ phòng vệ sinh, phòng tắm, không gian vắt, trữ sữa tại nơi làm việc cho lao động nữ nuôi con nhỏ…

Theo bà Trần Thu Phương - Trưởng phòng Lao động nữ, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam: “Theo số liệu thống kê của công đoàn các cấp, cả nước có 826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại 372 doanh nghiệp. Có hơn 29.800 người lao động nữ được thụ hưởng. Số doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên là 837 doanh nghiệp. Trong đó có 187 doanh nghiệp đã lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ”.

Chị Lê Thị Thảo - công nhân Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hà Nội đánh giá cao việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc

Ảnh: TT

826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp được lắp đặt

Việc quy định doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ thì số doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ là rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó cũng là sự nỗ lực rất lớn của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia với Chính phủ và các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bà mẹ là lao động nữ. Đặc biệt là trong điều kiện hiện tại, còn không ít NLĐ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạn chế về thu nhập và kiến thức.

Đánh giá về các biện pháp các công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đã thực hiện, bà Phan Thị Hồng Linh, Phó giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Dự án Alive & Thrive cho biết “Một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đời sống gia đình công nhân lao động chính là hỗ trợ lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thông qua lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh”.

Kết quả khảo sát đã giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn trong quá trình tham gia xây dựng và thực hiện chính sách đối với lao động nữ; hỗ trợ công nhân chăm sóc gia đình và con cái. Qua đó, tăng cường vai trò của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ.

826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp được lắp đặt

LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh bàn giao phòng vắt, trữ sữa cho doanh nghiệp

Ảnh: LĐLĐ

Bài viết: Duy Minh

Ảnh: Duy Minh