e magazine
28/09/2023 19:00
40 năm thăng trầm một gánh hát

28/09/2023 19:00

Có thời gian, chỉ 4 vở, đoàn diễn từ rạp này sang rạp khác trong thành phố Huế nhưng lúc nào cũng đông kín khán giả.
40 năm thăng trầm một gánh hát

“Những lần ra Bắc, diễn đêm mưa lạnh, nhưng khán giả vẫn đến, họ ngồi co ro, một số đem theo chăn để quấn cho ấm. Nghệ sĩ biểu diễn vừa xong vai chạy về ngồi bên bếp lửa để sưởi”, nghệ sĩ cải lương Bảo Vy nhớ lại.

Thời hoàng kim, đoàn cải lương Sông Hương đi đâu cũng luôn được chào đón. Những buổi biểu diễn dù nắng, mưa hay giá rét khán giả luôn đến từ sớm, đặt gạch tranh chỗ để có được nơi ngồi ưng ý.

Những năm đó, với các nghệ sĩ của đoàn là thời tuy cực nhưng vui nhất. Anh chị em trong đoàn sống, sinh hoạt yêu thương nhau như một đại gia đình.

Thời cuộc luôn biến động, nhưng ngày đoàn cải lương Sông Hương ra mắt khán giả 40 năm trước, không ai nghĩ nó sẽ có một cuộc đời đầy trầm luân.

40 năm thăng trầm một gánh hát 40 năm thăng trầm một gánh hát

Các nghệ sĩ đoàn cải lương Sông Hương biểu diễn tại thành phố Huế. Ảnh: ĐÌNH TOÀN

40 năm thăng trầm một gánh hát

Bảo Vy đến với cải lương khi vừa tròn 18 tuổi. Chị bắt đầu những vai tì nữ, không có nhiều đất diễn. 19 tuổi, nghệ sĩ được phân vào vai Trưng Nhị (đào nhì). Thấy chị có tố chất, đến vở Qua cầu thiên mã, nền là tuồng Triệu Thị Trinh đoàn dựng thêm vai Gia mễ Thúy Vi và Trần Sơn để tạo thêm một cặp đào chính.

Chị bắt đầu đào chính với vai Gia mễ Thúy Vi. Mẹ của nghệ sĩ đóng vai chính Triệu Thị Trinh. “Tuổi trẻ mình có sự nhõng nhẻo nên khi vào vai đó thì quá hợp luôn”, Bảo Vy kể.

Qua cầu thiên mã là vở làm nên tên tuổi và trải qua sự thăng trầm cùng đoàn cải lương Sông Hương. Nghệ sĩ Bảo Vy cũng bắt đầu có tên tuổi và được khán giả ái mộ với vai diễn này.

Nghệ sĩ nói rằng mình là người rụt rè, mỗi khi đi diễn xong vai cũng chỉ quanh quẩn với anh em trong đoàn, ăn rồi ngủ không đi chơi nhiều. Nhưng mỗi lần chị có công chuyện đi ra chợ, hay ra bên ngoài khán giả đều nhận ra.

“Gia mễ Thúy Vi. Gia mễ Thúy Vi”, khán giả lấy tên vai diễn của nghệ sĩ để gọi mỗi lần bắt gặp chị bên ngoài. Thấy nghệ sĩ mình ái mộ, khán giả chạy lại chào hỏi, bắt tay.

“Những vai đó mình hóa trang, trang điểm kỹ lắm, rứa mà khi tẩy trang, ra ngoài đường khán giả vẫn nhận ra”, Bảo Vy nhớ lại.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Chị Ngọc Huệ, kép chính của đoàn nghỉ. Từ cái đêm đấy, đến sáng hôm sau, tất cả các vai chính mà trước đó chị Huệ từng đảm nhận đều giao lại cho Bảo Vy.

Vở Tấm Cám chị chỉ đảm nhận đào nữ, nhưng khi chị Huệ nghỉ là chị được chỉ định vào vai Tấm. Chị Ngọc Ánh đóng vai Cám.

Nghệ sĩ từ chối, xin nhận vai Cám, nhưng phụ trách đoàn không đồng ý, bắt chị đóng Tấm. “Mình xin nhận vai Cám là vì tính lúc đó đang còn thích những vai nhí nha nhí nhố, nhỏng nha nhỏng nhẻo vậy thôi. Mình ưa cái gu đó, chứ cũng không nghĩ sẽ đóng vai chính”, Bảo Vy giải thích.

Khi đoàn bắt đầu dựng vở “Đừng quên dòng nước mắt”, rồi “Mùa tôm” những vai chính cũng đều giao cho chị.

Bảo Vy là con nhà nòi trong gia đình có bố mẹ đều theo cải lương, nhưng khi vào nghề chị vẫn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ hát những vai của đào chính. “Cũng có thể nhờ nền tảng bên vai Gia mễ Thúy Vy”, nghệ sĩ nói.

Đoàn cải lương từng mời các nghệ sĩ có tên tuổi trong Nam ra diễn, nhưng Bảo Vy vẫn luôn được xem là “đứa con cưng của đoàn”.

Nhắc lại giai thoại: “Nếu không có Bảo Vy sẽ không đến xem”, nghệ sĩ cười cười kể lại với sự khiêm tốn: “Đúng là thời đó có như vậy thật. Nhưng cũng không phải do chị hay, mà có thể khán giả họ quen với nét diễn của chị rồi. Cải lương thì sao mà mình ca bằng các nghệ sĩ trong Nam. Cũng có thể khán giả họ thương mình”.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Khán giả bình dân xem đoàn cải lương Sông Hương biểu diễn ở thành phố Huế. Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Bốn vai làm nên tên tuổi của Bảo Vy: Gia mễ Thúy Vy (trong vở: Qua cầu Thiên mã); Hơi dung (vở Đừng quên dòng nước mắt); Caru (vở Mùa tôm); Châu Long (vở Châu Bình Dương Lễ).

Chị bảo, hồi trước cứ mỗi lần diễn xong, mình lui về cánh gà, khán giả ra phía sau bắt tay, chào hỏi. “Người hâm mộ hồi xưa thì cũng rụt rè như mình thôi, không cuồng nhiệt như bây giờ. Nhiều lúc học bắt tay, sờ tận mặt để xem như thế nào”, nghệ sĩ nhắc lại sự ái mộ của khán giả dành cho mình.

Là “con cưng” của đoàn nhưng hồi đó mỗi đêm chị chỉ nhận được 6.400 đồng. Thù lao của chị ngang với trưởng đoàn, nhưng thua xa so với các nghệ sĩ trong Nam được mời ra diễn.

“Hồi đó một tháng sau khi chi tiêu chị chỉ làm được 5 phân vàng”, nghệ sĩ kể.

“Nói chung chị có tiếng mà không có miếng”, Bảo Vy cười.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Đoàn cải lương Sông Hương là một gánh hát có tiếng tăm của xứ Huế lúc bấy giờ. Nghệ sĩ Bảo Vy nhớ hồi đó hầu như đêm nào cũng diễn. Có một năm tết, tại rạp Hưng Đạo, thành phố Huế, ngày hai suất, chỉ 4 vở: “Quang gánh đầu làng”, “Qua cầu thiên mã”, “Mùa tôm”, “Đừng quên dòng nước mắt”, diễn đi diễn lại mà vẫn cứ đông khách.

Bảo Vy không nhớ đó là tết năm nào. Chỉ nhớ hình ảnh khán giả đến từ sớm ngồi kín rạp, chờ đợi đoàn diễn.

“Trời ơi! Khán giả đông lắm luôn em. Cứ 4 vở đó mà diễn lui diễn tới, nhưng lúc nào cũng kín người xem”, Bảo Vy hồi tưởng.

Những năm 1987-1988 với vở “Công chúa vua lan” một tháng 30 ngày, ngày 3 suất mà lúc nào cũng đông khán giả.

Không thể sánh với cải lương miền Nam, nên đoàn hầu như chỉ ra Bắc. Cứ mỗi khi nghe thông tin đoàn ra diễn, khán giả chào đón rất nhiệt tình. “Dân họ làm cả băng rôn treo dọc đường để chào đón”, chị Châu Thị Loan Oanh, bây giờ là Trưởng đoàn cải lương Sông Hương nhớ lại.

Bảo Vy nhớ có đêm đoàn diễn vở “Đừng quên dòng nước mắt” ở miền Bắc, trời mưa lạnh, dưới bãi đất trống anh em kiếm củi đốt một đống thiệt lớn, nghệ sĩ diễn vai nào xong thì chạy xuống ngồi sưởi.

“Lúc đó mình diễn chính mà chỉ mơ là đang vào các vai tỳ nữ, đào phụ để được ngồi lửa. Vai diễn kéo dài thay nhiều trang phục mà bộ nào cũng toàn tay ngắn. Bên dưới khán giả ngồi co ro, một số người mang theo cả chăn để quấn, mấy đứa trẻ con mang áo quần rách toe tua mà cũng ngồi xem hết vở”, Bảo Vy kể lại một thời huy hoàng của cải lương Sông Hương.

Khán giả thích đoàn đến mức có thông tin ra diễn là dân họ mổ heo, bò, dê làm tiệc để đãi. Những năm kinh tế còn khó khăn, vé mỗi đêm diễn 5 nghìn đồng với người lớn; 3 nghìn đồng với trẻ em, nhưng lúc nào khán giả cũng chật kín cả một bãi đất.

Có lần đoàn diễn ở Đông Hà, Quảng Trị, 7 giờ tối mới bắt đầu nhưng từ 4 giờ chiều dân đã xếp hàng vào, họ đem theo gạch đặt tranh chỗ trước.

Ở các nông trường, nghe đoàn lên là họ mừng ra mặt. Các anh chị còn phụ giúp dựng hàng rào, dựng sân khấu.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Những năm 90-91, cải lương bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Khán giả ít dần. “Chị nghĩ cái gì cũng có một thời của nó thôi em, nhất là khi khán giả có nhiều sự lựa chọn cho việc giải trí thì cải lương mất khách cũng dễ hiểu”, Bảo Vy nói.

Theo nghệ sĩ, nếu ở Huế là cái nôi của cải lương thì sẽ có nhiều nhân tài, và lớp trẻ để tiếp nối cho nghề. Nhưng ở đây thì khi nhắc phải nói đến ca Huế, còn cải lương thì của miền Nam, nên đây không phải là cái nôi. Thành ra khi hụt lượng diễn viên thì tìm kiếm một diễn viên khác rất là khó.

“Nguyên một đoàn mà kiếm từ diễn viên chính, diễn viên phụ, đào độc, đào lẳng, đào mụ… thì sao mà kiếm hết được. Nếu như đây là một cái nôi thì sẽ có sự đào tạo và có thế hệ nối tiếp”, nghệ sĩ nói.

Khi cải lương bắt đầu nhường chỗ cho các thể loại tân nhạc, “đứa con cưng” của đoàn Sông Hương cũng nhen nhóm ý định giải nghệ. Hai năm suy đi nghĩ lại, Bảo Vy quyết định dừng nghiệp hát. Đó là năm 1993, chị vừa tròn 32 tuổi, theo đoàn Sông Hương 15 năm.

Mọi người bất ngờ. Trưởng đoàn ngạc nhiên khi cô đang ở độ tuổi chín của sự nghiệp. Ai cũng khuyên can nhưng chị không thay đổi quyết định. Bảo Vy đem hết trang phục tặng lại đoàn.

Chị nói mình làm vậy để khi có sự lung lay thì cũng không thể quay lại vì trang phục không có. Một đàn anh trong Nam nghe tin, ra Huế hỏi chị bảo mình giờ có trang phục đâu mà diễn.

Những tháng đầu chia tay với cải lương, Bảo Vy cũng nhớ đoàn quay quắt, nghệ sĩ đã từng có ý định trở lại. Nhưng sự cạnh tranh khó khăn của cải lương khiến chị lại từ bỏ ý định quay lại.

“Cũng rất mê cải lương, nhưng chị muốn theo nghề khác để tăng thêm thu nhập, rồi còn gia đình”, Bảo Vy nói giọng trầm buồn. Bây giờ mỗi lần rảnh, nghệ sĩ lại bật mic lên thu một vài bản để làm kỷ niệm. Giọng ca vẫn còn ngọt, say mê người nghe.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Một năm sau khi Bảo Vy nghỉ hát, đoàn cải lương Sông Hương cũng có quyết định giải tán. Sự tan rả của đoàn không phải do đào chính nghỉ mà nó đến từ một lý do bất khả kháng. Anh chị em trong đoàn dừng công việc, giải thể trên danh nghĩa nhưng vẫn tập, dành tình yêu cho cải lương. Họ hẹn nhau một ngày sẽ hợp lại.

Cũng trong năm đó, chị Loan ra Quảng Trị xin giấy phép để thành lập đoàn cải lương tư nhân. Các nghệ sĩ lại tập hợp thành gánh hát, lưu diễn ở Huế ra Bắc. Nhưng sự ái mộ cho cải lương của khán giả cũng không còn như xưa. Người xem ít dần, chi phí cho sự hoạt động của đoàn quá lớn.

Năm 1997, đã có hơn 10 đêm khi đoàn chuẩn bị diễn nhưng không có khán giả. Trưởng đoàn đưa ra quyết định giải tán để anh em kiếm nghề khác mưu sinh.

“Bây giờ hoàn cảnh khó khăn quá, anh em tạm chia tay ở đây. Hi vọng sẽ có một ngày anh em mình gặp lại nhau rồi cùng tái dựng lại đoàn. Có lúc mưa thì có lúc nắng, hi vọng lúc nắng sẽ quang đãng hơn”, chị Oanh mở lời. Anh chị em ôm chầm lấy nhau, nói lời tạm biệt.

Dụng cụ dựng sân khấu trưởng đoàn bán hết cho người dân, chia cho anh em nghệ sĩ người ít làm kinh phí về nhà. Các anh chị em thu dọn trang phục, ra về. Chị Oanh đem dàn âm thanh của đoàn về nhà giữ làm kỷ niệm. Cái tên đoàn cải lương Sông Hương dần lùi vào dĩ vãng.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Sân khấu đoàn cải lương Sông Hương thường được dựng lên mộc mạc đơn sơ ở những vị trí dễ thu hút khán giả bình dân, nhất là những khan giả lớn tuổi. Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Năm 2005, vợ chồng chị Oanh vào làm cho một đoàn cải lương ở Phú Yên. Khi đi hai người nghĩ vào Nam chắc cải lương sẽ còn sống được. Vào đến nơi rồi mới biết mọi chuyện không như họ tưởng. Khán giả đã không còn mê loại hình nghệ thuật này nữa.

Có những ngày hai người chỉ còn đúng 2.500 đồng, đủ để mua một ổ bánh mỳ chia đôi vợ chồng cùng ăn. Cả hai muốn về thăm con nhưng không có tiền.

Một lần đang sửa soạn cho đoàn diễn, ngay tại đất Phú Yên, họ gặp lại người em xưa từng làm ở đoàn cải lương Sông Hương. Chị em lâu ngày gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.

“Bây giờ mà anh chị vẫn còn đi như vậy à?”, đứa em hỏi.

“Anh chị còn đam mê với cải lương quá”, chị Oanh trả lời.

Đứa em khuyên: “Anh chị về cho rồi, em thấy khổ quá”.

“Hai vợ chồng giờ không còn một đồng trong túi, răng về được”, chị Loan Oanh trải lòng.

Người em mời anh chị về nhà ăn cơm, lấy trong túi 1 triệu đồng gởi tặng làm lộ phí. Về nhà, người thân khuyên anh chị nên kiếm tìm việc khác để làm, đừng đi làm thuê bên các gánh hát cải lương nữa. Nhưng đêm nằm, chị lại nhớ đến đoàn, nhớ đến cải lương.

Một đêm ngồi ăn cơm, chị Oanh nói với chồng: “Bây giờ mình lớn tuổi rồi, đi làm thuê cho họ cũng cực. Làm thuê, gặp những đứa nhỏ tuổi nó không tế nhị mà mở lời ra là xúc phạm mình thì không chịu được. Giờ lớn tuổi về với quê hương, dựng lại đoàn thỏa mãn đam mê của cả hai”. Chồng chị gật đầu đồng ý.

Chị Oanh đem ý đó đến trình bày với thầy. Người thầy ủng hộ: “Nếu có khó khăn gì về thủ tục, nói rồi thầy giúp đỡ”.

Các anh chị em nghệ sĩ nghe tin cũng ủng hộ, họ bắt đầu tụ tập lại rồi đi diễn.

40 năm thăng trầm một gánh hát

Qua hàng chục năm, đoàn cải lương Sông Hương vẫn còn có thể ươm mầm cho diễn viên nhí theo “nghiệp” cải lương. Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Ngày 10 tháng 4 năm 2018, đoàn cải lương Sông Hương chính thức trở lại sau 20 năm vắng bóng. Lần này họ xin giấy phép hoạt động tại Thừa Thiên Huế.

Để dựng lại một gánh hát sau hơn 2 thập kỷ tan rả không phải đơn giản. Kinh phí, dụng cụ quá lớn. Chị Oanh phải đi vay, đắp đổi nhiều nơi để có thể duy trì. Sự an ủi lớn nhất với chị là nhân lực khi các nghệ sĩ vẫn còn mặn nồng với cải lương.

“Ngày khai trương đoàn sau 20 năm chia tay diễn ra ở Đà Nẵng, vì các anh chị em chủ yếu ở trong đó nên chị mở màn luôn”, chị Oanh nói.

Việc trở lại của đoàn cũng nhận được sự chào đón của người dân. Có lần khi đoàn về vùng biển Thừa Thiên Huế diễn, một khán giả đi đến tâm sự với trưởng đoàn, hồi xưa nghe đoàn về diễn bọn em thích lắm, nhưng hồi đó nghèo không có tiền mua vé. Bây giờ nghe tin đoàn sống lại em cũng vui, thương cho anh chị vẫn đam mê nghề, cố giữ lại thương hiệu cải lương. Nói rồi vị khách rút ra mấy trăm USD tặng đoàn.

Tái hợp chưa được bao thì đại dịch Covid-19 ập đến, mọi việc gián đoạn. Bây giờ, đoàn đã đi diễn nhiều hơn, nhưng không phải đêm nào cũng có được thu nhập tốt. “Có đêm vài ba triệu, nhưng cũng có đêm chỉ vài trăm”, chị Loan Oanh chia sẻ.

Đoàn cải lương Sông Hương bây giờ vận hành không như xưa, họ không bán vé. Mọi thu nhập đến từ việc ủng hộ của khán giả. Còn nhiều khó khăn để dựng lại một gánh cải lương như trước, chị Oanh bảo mình quyết tâm dựng lại đoàn thì cũng làm hết sức hết lòng. Có nhiều tháng khó khăn thật nhưng chị cũng không dám nói ra với anh chị em. Mình cố lấy bên này, bù đắp bên kia để anh em sống với nghề.

“Khán giả đông hay ít thì mình cũng diễn hết lòng, không bỏ lớp nào, diễn từ đầu đến cuối”, Trưởng đoàn cải lương nói.

Vợ chồng chị Oanh chấp nhận sự sướng khổ của nghề vì đây là đam mê. Cuối tháng 8 Âm lịch, chị sẽ đưa đoàn ra Bắc để công diễn. Đây là chuyến đi xa lần đầu sau khi đoàn tái hợp.

Người trưởng đoàn hi vọng người dân sẽ chào đón, nhưng chị cũng thừa nhận: “Bây giờ rất khó để tìm lại những hình ảnh xem cải lương như xưa”.


40 năm thăng trầm một gánh hát

Phóng sự của NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Thiết kế: AN NHIÊN

Ảnh: ĐÌNH TOÀN, Video: TRẦN YẾN - NGUYỄN HẰNG

Xem phiên bản di động