Theo thống kê của các Cảng vụ Hàng hải, hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, từ đầu năm 2020 đến nay có 2.145 sỹ quan, thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài vì Covid-19 cần được hỗ trợ hồi hương. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới đã gây rất nhiều khó khăn cho chủ tàu trong việc thay thế, hồi hương thuyền viên. Bà Nguyễn Thị Thương - Phó trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết: "Đặc biệt, có những thuyền viên ở nước ngoài rời tàu từ ngày 29/3/2020 và tạm thời ở khách sạn để đi chuyến bay về Việt Nam ngày 01/4/2020. Tuy nhiên, ngày 29/3/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 2915/BGTVT-VT về tiếp tục Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, không có chuyến bay quốc tế đi - đến Việt Nam từ 00h00 ngày 30/3/2020". Sau đó, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc cách ly toàn xã hội từ 00h00 ngày 01/4/2020. Vì vậy, các thuyền viên này mắc kẹt ở nước ngoài từ ngày 01/4/2020 đến thời điểm hiện tại mà vẫn chưa được hồi hương. |
Thuyền viên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh: ST |
Ngoài ra, phần lớn thuyền viên bị mắc kẹt đã làm việc trên tàu biển nước ngoài từ 14 - 15 tháng mà không thể hồi hương và cũng không có người thay thế. Việc thay thế thuyền viên rất khó khăn còn do nhiều quốc gia triển khai giải pháp kiểm soát dịch bệnh nên hạn chế chuyến bay thương mại, hạn chế nhập cảnh, không cấp visa. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đặt chỗ trên các chuyến bay do Chính phủ bảo lãnh phải được Đại sứ quán Việt Nam ở các nước xét duyệt theo thứ tự ưu tiên. Thuyền viên không nằm trong danh sách đối tượng được ưu tiên nên rất ít thuyền viên có được vé. Mặc dù từ ngày 15/9/2020, Việt Nam đã mở một số chuyến bay thương mại từ một số nước châu Á nhưng tần suất khai thác còn hạn chế. Do vậy việc đưa thuyền viên về nước chưa thể thực hiện được nhiều. |
Nhiều thuyền viên tàu viễn dương bị mắc kẹt vì Covid-19 chưa được về nhà. Ảnh: VTC News
Theo quy định, khi thay thế thuyền viên phải có thuyền viên khác sang. Tuy nhiên việc đưa thuyền viên từ Việt Nam sang thay thế cũng gặp các khó khăn tương tự. Điều đó cũng khiến một số lượng lớn thuyền viên đã quá hợp đồng lao động bị kẹt trên tàu mà chưa được hồi hương. Theo đại diện Công ty CP Viet Cement Terminal, việc đưa thuyền viên về Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với lao động bình thường. Với một người lao động bình thường đang cư trú trên đất liền tại một quốc gia, nếu có chuyến bay nhân đạo thì họ có thể dễ dàng đăng ký với Lãnh sự quán để được hỗ trợ bay về. Nhưng thuyền viên thì phải làm việc trên tàu. Do tàu chạy từ quốc gia này sang quốc gia khác, không nằm tại một nơi cố định nên nếu muốn đăng ký với Lãnh sự quán để được bay về thì thuyền viên phải thực hiện thủ tục phức tạp hơn rất nhiều. Việc mắc kẹt tại nước ngoài đối với thuyền viên có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ. Bởi thuyền viên là lao động đặc thù với thời gian làm việc trên tàu kéo dài từ 6 - 12 tháng. Công việc nhiều áp lực. Thuyền viên phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như bão gió, cướp biển, thiên tai… Áp lực công việc xa nhà, xa đất liền trong thời gian dài do dịch Covid-19 nên dễ mang tâm lý căng thẳng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong quá trình làm việc. |
Do việc hồi hương thuyền viên bằng đường hàng không khó khăn nên việc thay thế số lượng lớn thuyền viên chủ yếu thực hiện tại cảng biển. Ảnh: ST |
Trong khi đó, theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải (MLC) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên, thời gian làm việc tối đa trên tàu của thuyền viên không quá 12 tháng. Việc thuyền viên không được thay thế đúng thời hạn sẽ không tuân thủ quy định của Công ước. Khi đưa một thuyền viên từ tàu trở về thì phải có một thuyền viên khác từ Việt Nam với trình độ chuyên môn tương đương lên tàu, thay thế ngay để đảm bảo hoạt động của tàu được liên tục. Thuyền viên lên được tàu phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp. |
Thay thế thuyền viên tại cảng biển ở Vũng Tàu. Ảnh: VTC News |
Nếu xảy ra chậm trễ, tàu phải chờ tại cảng sẽ tiêu tốn khoảng 15.000 - 30.000 USD/ngày và phải bồi thường cho chủ hàng do sự chậm trễ. Kể cả thuyền viên đã sẵn sàng thay thế nhưng không lên được tàu thì chủ tàu phải tốn một chi phí lớn sắp xếp để đưa lên tàu lần tiếp theo. Trước tình hình hàng nghìn thuyền viên Việt Nam bị mắc kẹt trên tàu viễn dương, ngày 28/10, nhiều doanh nghiệp (chủ tàu) đồng loạt đề xuất với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn này. Công ty CP Vận tải Biển và Hợp tác lao động Quốc tế Inlaco Saigon có 1.100 thuyền viên. Trong đó có 525 thuyền viên đang làm việc trên các tàu viễn dương ở nhiều nước trên thế giới bị mắc kẹt. Ông Võ Lê Anh Dũng – Trưởng phòng thuyền viên kiến nghị: “Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài nên bổ sung thuyền viên vào danh sách đăng ký chuyến bay nhân đạo, bố trí chuyến bay cho thuyền viên do đặc thù của ngành Hàng hải". Theo kiến nghị của doanh nghiệp, bên cạnh việc bố trí các suất ưu tiên cho thuyền viên trên các chuyến bay nhân đạo, cơ quan chức năng nên xem xét giảm chi phí để các doanh nghiệp thay thế thuyền viên tại cảng biển. |
Thuyền viên hết hạn hợp đồng vẫn phải làm việc trên tàu. Ảnh: ST |
Hiện phí ra vào cảng, hoa tiêu, neo đậu là 3.500 - 10.000 USD/tàu (tùy theo trọng tải tàu). Phí đại lý và phí thay thế là 1.000 – 3.500 USD/lần. Phí ngày tàu là 15.000 – 30.000 USD/tàu. Phí cách ly khoảng 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra còn chi phí đi lại, cách ly… giá cao. Do đó, rất khó khăn vì doanh nghiệp bị đội thêm chi phí. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao hỗ trợ thủ tục nhập cảnh cho sỹ quan, thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế quá thời hạn hợp đồng lao động được hồi hương. Đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ Việt Nam. |
Duy Minh Đồ họa: Duy Minh |