20 doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt May năm 2020 được vinh danh |
Ngày 07/1/2020, tại thành phố Huế, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động và Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tổ chức lễ vinh danh “Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu ngành Dệt may” năm 2020. Đây là những doanh nghiệp nổi bật với nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đảm bảo, thực hiện tốt công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Bảo vệ môi trường. |
Vinh danh 20 doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt May năm 2020. Ảnh:XH |
Công tác ATVSLĐ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp và tác động trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người lao động. Với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các kỳ đại hội luôn xác định ATVSLĐ là một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động Công đoàn. Thực hiện nhiệm vụ này, dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động và Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tổ chức Chương trình bình chọn “Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu ngành Dệt May” năm 2020. |
Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: “Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa, góp phần lan tỏa và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp đối với vấn đề ATVSLĐ. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp được tôn vinh cảm thấy tự hào, xác định trách nhiệm, khẳng định vị trí của mình. Đồng thời, là cơ sở, chứng nhận để khách hàng đánh giá về doanh nghiệp. Từ đó, có những tác động tích cực tới việc làm, môi trường và quyền lợi của người lao động”. |
Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phát biểu tại hội nghị. |
Trải qua 5 tháng với các vòng bình chọn: Sơ khảo hồ sơ, khảo sát và chấm điểm thực tế tại các đơn vị, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị trên tinh thần nghiêm túc, công bằng, minh bạch, từ 40 đơn vị tham gia, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn ra 20 doanh nghiệp tiêu biểu để vinh danh. Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng: “Chúng ta phải thay đổi một quan điểm chi cho an toàn là chi phí mà hãy nói rằng đầu tư cho an toàn, đó là đầu tư cho phát triển bền vững, là đầu tư để tạo ra môi trường làm việc an toàn, người lao động có thể tự do sáng tạo, từ đó năng suất, chất lượng được nâng cao. Đó chính là những yếu tố giúp các doanh nghiệp dệt may vượt qua mọi khó khăn". |
Ông Ngọ Duy Hiểu (trái) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Lê Nho Thướng (phải) - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam tặng bằng khen cho các doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt May năm 2020. |
Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 bày tỏ niềm vui mừng và niềm vinh dự khi là một trong những doanh nghiệp lần đầu tiên đạt danh hiệu “Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu ngành Dệt May”. “Trong những năm qua, Tổng Công ty May 10 đã có nhiều chính sách để đảm bảo an toàn môi trường làm việc an toàn cho người lao động như an toàn về sức khỏe người lao động, an toàn về cơ sở vật chất, an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn về môi trường xung quanh,… Chúng tôi ý thức được rằng để đạt được danh hiệu này đã khó, nhưng duy trì nó còn khó hơn vì vậy việc đảm bảo an toàn lao động là vô cùng quan trọng”, ông Việt chia sẻ. |
Bà Nguyễn Thị Liên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú chia sẻ tại hội nghị. |
Với Công ty CP Quốc tế Phong Phú, bà Nguyễn Thị Liên – Phó Tổng Giám đốc cho biết: “Đây là chương trình thực hiện bình chọn rất nghiêm túc và nghiêm ngặt đối với các đơn vị đăng ký tham gia, chính vì vậy, theo tôi, Quốc tế Phong Phú và những doanh nghiệp đạt được giải trong năm nay sẽ rất tự hào. Để cho các doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường quốc tế cũng như cạnh tranh được trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu thì mình phải liên tục cải tiến, công tác ATVSLĐ phải được cải tiến nhiều hơn để người lao động cảm thấy đi làm việc là đến được môi trường an toàn, vị thế của doanh nghiệp cũng sẽ được nâng tầm hơn”. |
Còn với ông Nguyễn Tiến Hậu – Giám đốc điều hành, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Dệt May Huế thì: “Công tác ATVSLĐ luôn được công ty chú trọng, khi tiếp nhận người lao động mới, công ty thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động về công tác an toàn, trang cấp đầy đủ các bảo hộ lao động”. |
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết hoạt động Công đoàn nửa nhiệm kỳ 2018 - 2023 của Công đoàn Dệt may Việt Nam. |
Dịp này, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng tổ chức Sơ kết hoạt động Công đoàn nửa nhiệm kỳ 2018 - 2023; Tổng kết hoạt động Công đoàn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao những nỗ lực của Công đoàn Dệt May Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ vừa qua với sự chủ động, sáng tạo đưa Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII vào thực tiễn chăm lo tốt đời sống các đoàn viên Công đoàn và người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh; đưa phong trào thi đua vào sâu thực tiễn lao động sản xuất. Đặc biệt, năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, Công đoàn ngành Dệt May đã đồng hành cùng các doanh nghiệp kịp thời có chủ trương giải quyết việc làm, đảm bảo an toàn cho người lao động, góp phần phát triển ngành may mặc quốc gia bền vững. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị, thời gian tới, Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức cho người lao động về kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo hiệu quả đời sống người lao động về phúc lợi; động viên, giúp đoàn viên, người lao động nâng cao tay nghề; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và đẩy mạnh các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng tạo động lực cho người lao động hăng say lao động, sản xuất. |
Xuân Hậu |